Nước mắm là nghề sản xuất truyền thống của nhiều hộ dân thuộc các phường Vĩnh Trường, Phước Long, thành phố Nha Trang. Mấy năm gần đây, các cơ sở sản xuất nước mắm phát triển mạnh về quy mô, gây mùi hôi ở các khu dân cư. Tại phường Vĩnh Trường, hiện có khoảng 10 cơ sở sản xuất nước mắm, mỗi cơ sở tiêu thụ đến hàng trăm tấn cá nguyên liệu mỗi năm.

vov_nuoc_mam_okgw.jpg
Việc tập kết nguyên liệu cá gây ô nhiễm trong khu dân cư.

Ông Nguyễn Bá Thuận, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân phường Vĩnh Trường cho biết, từ nhiều năm nay, chủ các cơ sở cũng như người dân mong muốn di dời các cơ sở sản xuất nước mắm ra khỏi địa bàn phường. Nhiều năm nay các cơ sở sản xuất quy mô lớn đều nằm ngay sát nơi ở của người dân. Khi cá được vận chuyển về đã gây mùi ô nhiễm, khó chịu. Các hộ kinh doanh đồng ý di dời nơi khác, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa có quy hoạch.

Cách đây hơn 10 năm, tỉnh Khánh Hòa có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất nước mắm ra khỏi nội thành Nha Trang. Việc hình thành khu sản xuất nước mắm tập trung không chỉ giải quyết được vấn đề môi trường, còn là cơ hội để chủ cơ sở sản xuất nước mắm mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, nâng cấp về quy mô sản xuất, phát triển thương hiệu nước mắm Nha Trang. Mới đây, Hiệp hội nước mắm Nha Trang - Khánh Hòa đã họp với các thành viên, thống nhất chủ trương di dời làng nghề nước mắm cổ truyền. Các thành viên Hiệp hội này mong muốn khu tập trung sản xuất nước mắm không chỉ ở gần các cảng cá mà còn phải gắn với địa danh thành phố Nha Trang.

Ông Đỗ Hữu Việt, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Nha Trang - Khánh Hòa cho biết: "Khu sản xuất phải gắn liền với Nha Trang mới là nước mắm Nha Trang. Các doanh nghiệp cũng có nhu cầu có một vùng quy hoạch riêng để họ vào đầu tư. Có đầu tư như vậy mới làm lên thương hiệu. Theo Luật về môi trường, các doanh nghiệp đã rất khổ sở rồi vì động đến là phạt, mà nước mắm đương nhiên phải có mùi".

Tại thành phố Nha Trang hiện có gần 30 cơ sở sản xuất nước mắm trong nội thành cần phải di dời để giải quyết tình trạng ô nhiễm. Ông Bùi Minh Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, Chi cục đã mời Hiệp hội và các doanh nghiệp nước mắm đi khảo sát và tìm được 3 vị trí phù hợp để xây dựng khu sản xuất nước mắm tập trung. Tuy nhiên, với quy mô khu sản xuất tập trung khoảng hơn 30 ha, kinh phí xây dựng hạ tầng, giải tỏa mặt bằng lên đến 100 tỷ đồng là nguồn kinh phí quá lớn. Mặt khác, khi xây dựng xong, các doanh nghiệp có chịu vào khu sản xuất tập trung này không.

Ông Bùi Minh Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Nếu cơ sở sản xuất do Nhà nước đầu tư, nhưng các hộ sản xuất lại không cam kết vào thì sẽ rất lãng phí. Khi kêu gọi xã hội hóa làm hạ tầng thì không có doanh nghiệp nào làm, nên cũng khó"./.