Sự việc Nhà máy men của Công ty AB Mauri, ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai phát tán mùi hôi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cư dân trong vùng đã tạm lắng lại khi công ty này phải tạm dừng hoạt động để kiểm tra lại, đồng thời bị xử phạt hành chính số tiền 85 triệu đồng. Công ty sẽ chỉ được phép hoạt động trở lại khi đã khắc phục xong.
Bên trong nhà máy và khu vực xử lý nước thải của nhà máy Mauri La Ngà |
Từ vấn đề công nghệ....
Tại khu vực bể xử lý nước thải của Công ty AB Mauri Việt Nam, các bể xử lý chứa hàng nghìn mét khối nước thải, bọt khí nổi lên liên tục. Quan sát những hình ảnh ghi nhận tại khu bể điều hòa của Công ty Mauri, thạc sĩ Lê Phú Đông, Trưởng ngành Môi trường, trường Đại học Lạc Hồng nhận định, đây là công nghệ xử lý truyền thống, có nhược điểm là dễ phát sinh mùi từ các bể thu gom và bể điều hòa, phát sinh mùi hôi khuyếch tán vào môi trường.
Theo thạc sĩ Đông, để xử lý triệt để mùi hôi thì vấn đề cốt lõi là phải xử lý tại nguồn phát sinh như: sử dụng chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi; lắp đặt hệ thống thu gom khí phát sinh từ các bể sau đó dẫn đến thiết bị xử lý khí; giám sát chặt lưu lượng, tính chất nước thải khi vào các bể xử lý để hạn chế tình trạng “sốc tải” của vi sinh vật, tránh tình trạng vi sinh chết gây ảnh hưởng tới hiệu quả xử lý cũng như gây phát sinh mùi từ nước thải và bùn thải.
Thạc sĩ Lê Phú Đông khẳng định, nếu thu gom được khí phát sinh, thì việc áp dụng phương pháp xử lý nhiệt sẽ rất hiệu quả, có thể xử lý triệt để mùi hôi và các loại khí độc. Tuy nhiên phương pháp này dù hiệu quả xử lý tốt hơn nhưng lại đòi hỏi chi phí cao nên có thể là rào cản đối với doanh nghiệp.
"Hiện nay có rất nhiều phương pháp để xử lý tốt hơn đối với những mùi khó chịu hoặc các khí độc hại. Người ta có thể sử dụng một cái tháp gia nhiệt, sử dụng nhiệt độ để đốt. Vì hầu hết các loại khí, chất gây mùi thì có đặc tính là có khả năng ô xy hóa nên người ta có thể sử dụng công nghệ nhiệt độ cao để đốt. Tuy nhiên vướng mắc là giải pháp này rất tốn kém chi phí và đòi hỏi kỹ thuật cao", Thạc sĩ Đông nói.
Nhà máy của Công ty AB Mauri được xây dựng và đi vào hoạt động từ cuối thập niên 90, do đó không loại trừ khả năng gặp phải những hạn chế về công nghệ ở thời điểm đó, đặc biệt công ty này hoạt động trong lĩnh vực men vi sinh nên phát tán mùi là điều khó tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là công ty có thể đầu tư các công nghệ mới, hiện đại trong dây chuyền sản xuất hay không? Bởi đây là điều tất yếu, nhất là với một nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu như AB Mauri.
Đáng nói, thời gian gần đây lãnh đạo công ty này giới thiệu nhiều về việc đầu tư hàng triệu đô la cho hệ thống xử lý nước thải và họ rất tự tin khi “xin” đào đường ống xả thải trước đây để chứng minh không có chuyện xả nước thải ô nhiễm ra môi trường. Nhưng vấn đề ô nhiễm mùi thì lại không đề cập!?
Cho đến những kẽ hở pháp lý
Trong sự việc ô nhiễm không khí tại La Ngà, người ta có thể đặt câu hỏi tại sao việc phát tán mùi hôi của Công ty AB Mauri diễn ra trong suốt thời gian dài, lên tới gần 20 năm mà không thể xử lý dứt điểm. Kể cả 2 lần trước đó vào các năm 2009 và 2011, công ty này bị đình chỉ để khắc phục mùi, thì khi hoạt động trở lại lại nhanh chóng tái diễn tình trạng phát tán mùi hôi thối, gây bức xúc trong dư luận. Nhiều người cho rằng có những lỗ hổng về mặt pháp lý.
Theo Tiến sĩ Hồ Long Phi, ngyên Giám đốc Trung tâm Quản lý Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP. HCM), việc quan trắc môi trường đối với nước thải và rác thải hiện nay được quy định khá đầy đủ và chặt chẽ, tuy nhiên việc đánh giá mức độ ô nhiễm mùi thì vẫn mang tính cảm quan nhiều hơn.
"Cái này nó có tính chất không rõ ràng lắm nên để chế tài thì cũng rất là khó. Bây giờ phải tìm cách giải quyết về mặt cảm quan, ở mức chấp nhận được thì trước mắt là nên như vậy. Còn về lâu dài thì cơ quan chức năng sẽ có giải pháp để giải quyết", Tiến sĩ Hồ Long Phi cho biết.
Tiến sĩ Hồ Long Phi cho rằng, do ô nhiễm mùi gây ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng, nên cơ quan quản lý cần ưu tiên cho cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng. Lấy dẫn chứng 20 năm trước khi nhà máy Mauri mới đi vào hoạt động thì khu vực La Ngà còn thưa thớt dân cư, nhưng sau 20 năm dân cư phát triển, công suất nhà máy dần được nâng lên thì việc tham vấn cộng đồng là rất quan trọng để xem xét mức độ mùi mà cộng đồng có thể chấp nhận được.
Hiện tại việc xác định ô nhiễm không khí được quy định trong Quy chuẩn quốc gia về Chất lượng không khí năm 2013 (QC 05:2013/BTNMT). Tuy nhiên kể cả trong quy chuẩn cũng không có giới hạn và tiêu chuẩn xác định mùi. Hiện việc đánh giá mức độ mùi không có một thiết bị nào làm được, mà chỉ dựa vào cảm quan. Mà cảm quan thì nhận định của mỗi người sẽ có sự khác biệt.
Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên– Môi trường Đồng Nai cũng thừa nhận, những lỗ hổng này khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn: "Thực tế là có phần khó khăn trong việc xác định thế nào là ô nhiễm, tại vì phân định ngưỡng này rất là khó. Hiện mình chưa làm được điều đó thì mình tìm chỗ nào phát sinh mùi, mình tìm và giải quyết tận gốc nó thì sẽ tốt hơn là anh đi ra anh đo mùi."
Như vậy có thể nói để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm mùi tại Nhà máy của Công ty AB Mauri ở La Ngà, hay xa hơn có thể phát sinh tại những trường hợp khác, thì cần điều chỉnh cả vấn đề về công nghệ cũng như lấp đầy các lỗ hổng pháp lý. Nếu như ở vấn đề bổ sung pháp lý cần có sự vào cuộc của ngành chức năng thì vấn đề đổi mới, cập nhật công nghệ... đòi hỏi ý thức từ bản thân doanh nghiệp.
Chỉ khi nào doanh nghiệp đặt cả lợi ích cộng đồng bên cạnh bài toán lợi nhuận thì khi đó những mâu thuẫn, xung đột như đã xảy ra tại đây mới có thể giải quyết một cách trọn vẹn, hài hòa./.
Đình chỉ hoạt động Công ty AB Mauri vì gây ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm từ nhà máy AB Mauri Việt Nam, Đồng Nai có “xử” mạnh tay?