Từ nhiều năm qua, hàng chục hộ dân tại tổ 1 khu 13 phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) luôn thấp thỏm khi phải sống ở khu vực ảnh hưởng do hoạt động khai thác của Công ty CP than Mông Dương. Mặc dù trước mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có phương án di dời khẩn cấp một số hộ tại khu vực đặc biệt nguy hiểm, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có hộ dân nào được chuyển đi.
Cứ trời mưa lớn, gia đình bà Nguyễn Thị Thủy, tổ 1, khu 13 phường Mông Dương lại dắt díu nhau đi ở nhờ vì không dám ở lại căn nhà đầy vết nứt chằng chéo, tường, cột xô lệch do sụt lún. Ngước nhìn trần bếp có thể sập xuống bất cứ lúc nào dù đã được chống đỡ bằng một cây cột gỗ ở giữa, bà Thủy cho biết, gia đình bà là 1 trong 15 hộ trong khu vực đặc biệt nguy hiểm.
Gần đó, gia đình bà Trần Thị Thân (78 tuổi) cũng thấp thỏm lo âu vì sân vườn đã sụt lún và nước chảy lênh láng khắp nhà mỗi khi trời mưa do phần mái đã hư hại nghiêm trọng. Căn nhà của con trai bà Thân ở kế bên cũng bị lún nền, nghiêng tường và xô lệch toàn bộ phần mái lợp.
Bà Trần Thị Thân nói: “Chúng tôi mất ăn mất ngủ trong những ngày mưa bão. Mấy năm trước nhà tôi dùng 25 cái chậu để hứng nước nhưng đến cuối năm 2018 thì đành thay toàn bộ mái tôn. Chứ các vết nứt vẫn còn nguyên mà không hiểu sao không được di dời”.
Liên quan những hư hại nhà cửa của người dân, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, lực lượng liên ngành, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Công ty Cổ phần than Mông Dương đã kiểm tra, nhận định nguyên nhân cơ bản dẫn đến sụt, nứt nhà tại khu vực tổ 1, khu 13, phường Mông Dương là do biến động địa chất từ hoạt động khai thác của Công ty than Mông Dương.
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh xác định 53 hộ gia đình có nhà ở và các công trình xây dựng trong diện nguy hiểm với nhiều mức độ khác nhau và chủ trương của tỉnh là cho di dời khẩn cấp 15 hộ dân. Vậy nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có hộ dân nào được di chuyển.
Lý giải về nguyên nhân sự chậm trễ này, ông Nguyễn Văn Kính, PCT UBND thành phố Cẩm Phả cho rằng: “Chậm trễ là do việc trích lục thửa đất và thuê đơn vị tính toán giá đất để đền bù cho các hộ dân. Đến nay chúng tôi đã hoàn thành việc kiểm đến và đang chờ UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt giá đất để lên phương án bồi thường, phấn đấu trong tháng 8 sẽ hoàn thành. Đối với 32 hộ tiếp theo, chúng tôi đang đề nghị UBND tỉnh đánh giá nguy cơ để tiếp tục di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm”.
Tổ dân số 1, khu 13, phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả có 54 hộ dân, tuy nhiên theo đánh giá tác động nguy hiểm và kế hoạch di dời chỉ có tổng số 47 hộ được di dời, tái định cư ở nơi khác.
Ông Lê Văn Mạnh, tổ trưởng tổ 1, khu 13, phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh bày tỏ: “Mong muốn của chúng tôi là di dời toàn bộ 54 hộ dân của tổ 1. Lý do là nhà ở hỏng hóc. Các hộ được di dời, còn các hộ còn lại như thế nào khi cùng một rẻo đất này?”.
Sau trận mưa lịch sử năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã di dời khẩn cấp gần 600 hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở 10 địa phương trong tỉnh, nhiều nhất là tại các khu vực chân bãi thải mỏ của thành phố Cẩm Phả.
Đây là việc làm cần thiết giúp ổn định cuộc sống cho hàng trăm hộ dân. Chậm trễ di dời các hộ dân tại tổ 1, khu 13, phường Mông Dương rất có thể sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, nhất là khi mùa mưa bão đang vào cao điểm./.