Những ngày qua, người dân làng An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế nhiều lần đến công trường, ngăn cản đơn vị thi công đường công vụ phục vụ xây dựng cầu Hải Vân, thuộc Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân. Dự án này do Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư.

vov_du_an_ham_hai_van_1_yysw.jpg
Áp lực nước về phía làng An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô gia tăng, sau khi con đường công vụ thi công hầm Hải Vân được xây dựng.

Để xây dựng cầu Hải Vân, Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân-Hamadeco đã xây dựng một con đường công vụ bằng đá và rọ đá chắn một phần đầm Lăng Cô. Từ phía bắc đèo Hải Vân, con đường công vụ nối ra giữa đầm dài chừng 200m, rộng từ 7 đến 10m. Người dân địa phương cho rằng, việc làm đường đã ảnh hưởng dòng chảy, gây sạt lở, bồi lắng.

Ông Nguyễn Văn Hoàng ở làng An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô cho biết: khu vực này có gần 400 hộ dân, trong đó có 300 hộ chuyên làm nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản trên đầm phá với nhiều tàu thuyền công suất nhỏ, thường xuyên neo đậu ở đầm Lăng Cô.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, từ ngày xây đường công vụ, phần mặt nước phía bên làng An Cư Đông 2 chảy xiết hơn, gây va đập tàu thuyền, lồng cá, xói lở và bồi lắng nhiều đoạn bờ cát ven làng.

Lo lắng ô nhiễm đầm, sạt lở bờ biển, người dân làng An Cư Đông 2 đã nhiều lần đến công trường, ngăn cản đơn vị thi công. Bà con phản ánh, trước đây, khi xây cầu dẫn vào hầm phía bắc Hải Vân, đơn vị thi công làm đường công vụ bằng đất, đóng xà cừ, họ cam kết sẽ tháo dỡ khi công trình hoàn thành. Thế nhưng, đơn vị lại đổ đất ra hai bên gây tắc nghẽn dòng chảy. Đường công vụ số 2 cũng bít luôn một nửa khu vực cửa biển và giữa đầm Lăng Cô, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

Trước phản ứng của bà con, UBND thị trấn Lăng Cô đã mời Ban Quản lý dự án, đơn vị thi công, đại diện các tổ dân phố, trưởng làng An Cư Đông 2 họp tìm phương án giải quyết kiến nghị của bà con. Phía Ban Quản lý dự án đưa ra các gải pháp như lắp đặt các cống nhằm giảm áp lực, thông dòng chảy, không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân làng An Cư Đông 2.

Người dân làng An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô cho rằng, đường công vụ dự án mở rộng Hầm Hải Vân gây sạt lở, bồi lắng, ảnh hưởng đến dân cư và nuôi trồng thủy sản.

Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Bà con có ý kiến là thi công đường dẫn công vụ số 2 thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến vấn đề nuôi trồng thủy sản cũng như tạo bãi bồi và liên quan đến nhà cửa. Chúng tôi đã làm việc với đơn vị chủ đầu tư, hiện tại đơn vị đã mua bảo hiểm đầy đủ và đang đánh giá tác động từng nhà một. Nếu bị ảnh hưởng, đơn vị sẽ yêu cầu bảo hiểm chi trả, bồi thường”.

Ông Lê Đình Huy, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Hầm đường bộ Hải Vân cho biết: đơn vị đã tạm dừng thi công đường công vụ, thay đổi thiết kế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương án là bổ sung các cống, hạ thấp cao độ của đường công vụ để giảm áp lực nước trong mùa mưa bão.

Ông Lê Đình Huy cam kết, đơn vị sẽ hoàn trả mặt bằng như ban đầu sau khi kết thúc công trình.

 “Chúng tôi đã làm việc với UBND thị trấn Lăng Cô. Thứ nhất là bổ sung thêm 5 cái cống; thứ 2 cao độ mặt đường công vụ từ 1,9 mét xuống 1 mét; thứ 3 là cam kết thanh thải đường công vụ sau khi thi công”, Ông Lê Đình Huy cho biết thêm.

Người dân làng An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô lo lắng, việc thi công đường công vụ làm thay đổi dòng chảy ở cửa biển Lăng Cô sẽ xói lở làng vào mùa mưa bão.

Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân được Bộ Giao thông-Vận tải phê duyệt năm 2016, gồm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư khoảng 7.300 tỷ đồng. Giai đoạn 1 sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại và cải tạo đoạn Quốc lộ 1A qua đèo Hải Vân. Giai đoạn 2 mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông, hầm Hải Vân 2 với quy mô 4 làn xe. Cầu và đường dẫn quy mô 4 làn xe, dự kiến đưa vào sử dụng toàn tuyến vào cuối năm 2020./.