Đợt rét chưa từng thấy trong lịch sử đã khiến cuộc sống người dân vùng cao Yên Bái bị đảo lộn.
Hai ngày qua, ở hàng chục xã trên địa bàn các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và Mù Cang Chải nhiệt độ chỉ từ 1 đến 3 độ C. Nhiều nơi xuống dưới 0 độ C. Tuyết rơi, phủ kín cành cây, ngọn cỏ và nhà dân. Đường xá ngập trong tuyết từ 20 đến 30cm, mặt nước đông cứng.
Người dân vùng cao trong mưa rét và tuyết rơi |
Trước, trong những ngày rét, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ngành Nông nghiệp thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống rét ở các huyện, thị xã trong tỉnh. Các địa phương trong tỉnh cũng huy động cán bộ các ngành đi kiểm tra tình hình phòng chống rét ở tất cả các địa phương. Trâu bò và gia súc đã được bà con đưa về chuồng nuôi nhốt, cho ăn thức ăn tinh, đun nước nóng uống. Tuy nhiên, tính đến nay, vẫn có gần 30 con gia súc bị chết rét, chủ yếu là bê và nghé. Bà con nông dân cho biết, nếu cứ rét như thế này thì dù tích cực phòng chống cũng khó tránh khỏi thiệt hại.
Thời tiết lạnh khiến nhiều người phải nhập viện |
Trước tình hình này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành kiểm tra địa bàn và có phương án khắc phục, phòng tránh rét cho cây trồng, vật nuôi. Riêng với đàn gia súc, gia cầm, ngành khuyến cáo người dân chủ động phòng chống rét bằng cách gia cố, che chắn chuồng trại; dự trữ rơm rạ ủ ấm cho vật nuôi, tránh để vật nuôi ở địa hình cao; dự trữ củi, trấu đốt sưởi ấm cho gia súc; đồng thời bổ sung thức ăn tinh bột, giàu đạm, thức ăn xanh để vật nuôi tăng cường sức khoẻ và chống rét.
Tiếp tế bánh mì cứu đói cho các xe bị mắc kẹt trên đèo Ô Quý Hồ. |
Do điều kiện nhiệt độ xuống thấp dưới 0 độ C, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo nhiều trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học. Cụ thể, ít nhất trong 2 ngày 25 – 26/1, 2 huyện Sa Pa và Si Ma Cai cho tất cả học sinh từ cấp mầm non đến trung học cơ sở nghỉ học; các huyện vùng cao khác như Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, thậm chí các địa phương vùng thấp như thành phố Lào Cai, Bảo Thắng cũng chủ động điều tiết việc dạy và học tùy theo tình hình thực tế. Trước mắt, những địa phương vùng cao có tuyết đang khẩn trương bố trí cán bộ xuống tất cả các địa bàn động viên, hướng dẫn bà con tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó với tình hình thời tiết xấu như: bảo đảm sức khỏe cho người, che chắn cho vật nuôi và cây trồng; khắc phục hậu quả băng tuyết gây ra như tận thu diện tích rau màu đã tới vụ để phục hồi phần nào về kinh tế khi Tết Nguyên đán đang cận kề.
Đối với Sa Pa, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ băng tuyết, công tác khắc phục được triển khai tới tận thôn, bản. Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sa Pa nói: “Huyện đã cử cán bộ đến tất cả các xã hướng dẫn, vận động, tuyên truyền bà con tiếp tục chống rét cho cây trồng, vật nuôi, tiếp tục khắc phục thiệt hại sau mưa tuyết. Hiện, huyện đang tổng hợp, thống kê toàn bộ thiệt hại để báo cáo, đề xuất với tỉnh có biện pháp hỗ trợ”.
Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học vì rét đậm, rét hại
Đợt rét đậm tại miền Bắc bao giờ chấm dứt?
Từ hôm qua (24/1) đến nay có hơn 400 người sở hữu các phương tiện bị mắc kẹt trên Quốc lộ 4D đoạn đỉnh đèo Ô Quý Hồ. Số người này được chính quyền địa phương hỗ trợ, tiếp tế lương thực, bố trí tạm trú tại các nhà dân khu vực lân cận chờ giao thông được giải tỏa mới có thể xuống núi. Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ lực lượng cứu hộ tại chỗ cho biết, từ chiều nay 25/1, trời tiếp tục mưa và lớp băng mặt đường đang có xu hướng dày thêm.
** Xuất hiện tình trạng trâu bò bị chết cóng
Đợt không khí lạnh với cường độ mạnh đang bao trùm miền Bắc. Theo thống kê sơ bộ, một số địa phương miền núi phía Bắc đã xảy ra tình trạng đàn gia súc chết rét, hàng trăm ha hoa màu bị thiệt hại.
Theo cảnh báo của chuyên gia, nền nhiệt giảm sâu kèm theo mưa phùn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Hiện đang là thời điểm bà con nông dân tập trung xuống đồng làm đất, chăm sóc mạ, đặc biệt, ở một số địa phương người dân đã gieo cấy lúa vụ Xuân 2016. Do vậy, ngành nông nghiệp các địa phương đã cử cán bộ xuống cơ sở yêu cầu người dân không gieo trồng trong những ngày giá rét, nhiệt độ thấp dưới 15 độ C.
Tại tỉnh Nghệ An có 15.000 ha lúa vụ Xuân 2016 đã được người dân xuống giống. Ông Trương Minh Châu, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An khuyến cáo, để phòng chống rét cho cây trồng, đối với diện tích lúa đã cấy thì lấy nước giữ ấm và tiến hành che phủ ni lông cho 100% diện tích mạ, đồng thời bón thêm lân, tro bếp, giữ ruộng mạ đủ ấm.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trunng ương Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tại tỉnh Lào Cai và Yên Bái, tính đến cuối ngày 24/1, đã có 65 con gia súc bị chết rét và hàng trăm héc ta hoa màu bị đóng băng.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành nông nghiệp các địa phương đã tổ chức đi kiểm tra, hướng dẫn bà con nông dân, nhắc nhở các hộ chăn nuôi có gia súc chăn thả trên rừng cần lùa trâu bò về nhốt tại chuồng, củng cố chuồng trại, che chắn gió lùa, giữ khô nền chuồng, đảm bảo vệ sinh chuồng trại cho gia súc.
Tại tỉnh Hà Giang, nhiều nơi đã có tuyết rơi, có những xã băng giá đã bao phủ gần như toàn bộ diện tích, có nơi băng dày hàng chục cm.
Trước tình hình trên, ngành thú y tỉnh đã triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống rét cho đàn trâu bò như, tiêm vắc xin phòng bệnh, hướng dẫn cách bổ sung thức ăn tinh bột, thức ăn giàu đạm, thức ăn thô xanh, cho uống nước ấm, vitamin, muối khoáng để tăng sức khỏe, đủ năng lượng chống rét. Còn tại Thái Nguyên, ông Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đại Từ cho biết, sáng nay, nhiệt độ ngoài trời ở địa phương này xuống dưới 6 độ C kèm theo mưa. Qua kiểm tra tại một số xã có đàn vật nuôi lớn của huyện như: Bản Ngoại, Tân Linh, Yên Lãng… cho thấyhầu hết người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp chống rét, nhất là che chắn tốt chuồng trại và đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ.
Người dân cần đốt sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm rét hại kéo dài |
** Sơn La: Theo thống kê, đến nay, rét đậm, rét hại đã làm gần 90 con gia súc bị chết rét, trong đó có 22 con trâu, 28 con bò, còn lại là bê, nghé, lợn, dê. Toàn tỉnh có 9 xã ở các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Thuận Châu phải ngừng cấp điện do mưa, tuyết rơi, đóng băng, nhiều đoạn trên đường dây 35KV bị đứt dây, gẫy xà và đóng băng dầy làm bát sứ bị tắt nối.
Hôm nay (25/1), Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La tiếp tục tổ chức 3 đoàn công tác xuống các huyện trọng điểm trong tỉnh để kiểm tra công tác phòng chống rét hại, băng giá; đồng thời, hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó, nhằm giảm thiểu các thiệt hại do giá rét gây ra.
Các ngành chức năng tăng cường chống rét đậm, rét hại |
** Đông Bắc: Lần đầu tiên sau nhiều năm, tỉnh Quảng Ninh có nhiệt độ xuống thấp tại khu vực núi Yên Tử của TP Uông Bí và các khu vực núi cao, đặc biệt là 2 ngọn núi Cao Xiêm, xã Lục Hồn và Cao Ly thuộc địa phận xã Húc Động đã có hiện tượng băng tuyết phủ kín với mật độ khá dày.
Theo ghi nhận của phóng viên hiện trường có mặt tại huyện miền núi Bình Liêu, thời tiết ở các xã vùng cao của Bình Liêu đang ở mức -1 độ, băng tuyết vẫn phủ trên diện rộng, toàn huyện có 420 gia súc bị chết rét.
Huyện đã trích kinh phí mua hàng ngàn mét vải bạt để bà con tránh rét cho gia súc, gia cầm. Trao đổi với phóng viên Đài TNVN khu vực Đông Bắc, ông Đặng Bá Bắc chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết: “Trên địa bàn khu vực miền thấp, thị trấn vào thời điểm hiện nay khoảng 6 độ, nhưng vào đêm xuống còn 1 đến 2 độ, có thời điểm như ngày hôm qua có mưa tuyết rơi xuống tại thị trấn Bình Liêu, nếu theo xu hướng thời tiết mà nắng ấm lên thì đỡ thiệt hại, còn nếu tiếp tục tình hình như hiện nay thì dù giải pháp thì sức chịu đựng của gia súc, gia cầm trong 2, 3 ngày tới sẽ nặng hơn nữa”.