Hiện đang là mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết ở các tỉnh miền Trung. Thời tiết mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển làm gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng.

vov_sotxh_1_cahp.jpg
Ở một số khu dân cư, người dân thiếu hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phun hóa chất diệt muỗi.

Việc phun hóa chất diệt muỗi là một trong những giải pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, tại thành phố Đà Nẵng, công tác này đang gặp khó khăn do một bộ phận người dân e ngại hóa chất diệt diệt muỗi gây độc hại đến sức khỏe con người.
Đến thời điểm này, tại khu vực miền Trung ghi nhận gần 10.500 ca mắc sốt xuất huyết. Tại 2 tỉnh Khánh Hòa và Bình Định đã xảy ra 2 trường hợp tử vong.
Ở thành phố Đà Nẵng, năm nay số ca sốt xuất huyết giảm 60% so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao với hơn 2.500 ca mắc. Hiện đang là mùa mưa thuận lợi cho muỗi sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển. Bình quân mỗi tuần, phát sinh từ 10 đến 15 ổ dịch sốt xuất huyết tại các quận, huyện.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh này, ngành Y tế thành phố đã triển khai nhiều biện pháp như tăng cường giám sát dịch bệnh, diệt lăng quăng, phun hóa chất xử lý môi trường, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, hiện ở nhiều khu dân cư, người dân còn thiếu hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phun hóa chất diệt muỗi.
Chị Đặng Thị Huyền Như, nhân viên Trạm Y tế phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu cho biết, địa phương đang tiến hành phun hóa chất diệt muỗi ở một số tổ dân phố có ổ dịch sốt xuất huyết và số người mắc sốt huyết cao. Tuy nhiên, công tác này gặp nhiều khó khăn do một bộ phận người dân lo ngại ảnh đến hưởng sức khỏe.
Chị Đặng Thị Huyền Như cho hay: “Người dân nhiều lúc họ cho phun nhưng cũng có thái độ khó chịu. Họ nghĩ thuốc này có mùi và chất gây độc hại cho gia đình, nên phần lớn chỉ cho phun ở ngoài. Họ không cho phun trên lầu hoặc các ngóc ngách trong nhà”.
Hầu hết mọi người dân đều hiểu rằng, phun hóa chất diệt muỗi, xử lý môi trường là một trong những biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết hữu hiệu. Tuy nhiên nhiều người e ngại về chất lượng hóa chất diệt muỗi không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt là sau vụ 3 du khách lưu trú cùng một khách sạn trên đường Hồ Nghinh tử vong khiến một số người bày tỏ lo lắng.
Bà Ngô Thị Châu ở tổ 30, phường Hòa Thọ Đông, quận Hải Châu lo ngại: “Mùi hóa chất rất khó chịu, làm mình ho và hắt xì hơi liên tục nên ai cũng ngại. Vừa rồi có tin, tại khách sạn trên đường Hồ Nghinh, 2 mẹ con tử vong, trong thời điểm mọi người ở có mấy phòng đóng cửa phun thuốc diệt côn trùng. Thông tin này khiến mọi người e ngại. Họ lo sợ thuốc độc, bản thân tôi nghe thông tin như vậy cũng thấy lo lắng”.
Theo bác sỹ Nguyễn Tam Lãm, chất diệt muỗi đang sử dụng được chế từ hoa thủy cúc, đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm và cho phép sử dụng nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
“Hóa chất ngành Y tế đang sử dụng đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm và cho phép sử dụng trên toàn quốc là những hợp chất hữu cơ thiên nhiên. Khi sử dụng hóa chất này đúng liều lượng hướng dẫn sẽ có tác dụng diệt côn trùng, đặc biệt là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; có thể diệt muỗi, gián, một số côn trùng có lợi như ong; ảnh hưởng thấp đến gia cầm, gia súc; không ảnh hưởng đến con người và môi trường”, bác sỹ Nguyễn Tam Lãm thông tin thêm.

Nhiều người e ngại phun hóa chất diệt muỗi ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sỹ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, tỷ lệ phun hóa chất diệt muỗi phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 90%; một số nơi như khu vực trung tâm thương mại, khu nhà trọ…mới đạt 70%. Nếu việc phun hóa chất xử lý môi trường không triệt để thì hiệu quả phòng chống dịch bệnh sẽ không cao./.