Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, bắt đầu từ ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng...

Theo ghi nhận của PV VOV, trong sáng đầu tiên triển khai, tại nhiều tụ điểm công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đa phần người dân đã thực hiện đeo khẩu trang nghiêm chỉnh.

13_hn_mbus_sjoy.jpg
Công an phường trên các địa bàn  thành phố Hà Nội thường xuyên bật loa tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19.

Theo quan sát của PV tại bến xe Mỹ Đình sáng 16/3, tất cả lực lượng bảo vệ, nhân viên của bến xe đều đeo khẩu trang khi làm nhiệm vụ. Tại các quầy mua vé đều có dung dịch rửa tay sát khuẩn cho hành khách khi ra vào bến. Anh Lê Văn Hùng- một hành khách từ Phú Thọ về Hà Nội cho biết, trong suốt quá trình di chuyển, tất cả mọi người trên xe ai cũng đeo khẩu trang. Theo đó,  từ tài xế, phụ xe đến hành khách… mọi người thực hiện  nghiêm túc, bởi ai cũng ý thức được dịch bệnh covid 19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và ai cũng có thể bị mắc bệnh nếu không thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.

“Mọi người trên xe đều đeo khẩu trang đầy đủ, giữ vệ sinh công cộng. Tôi bắt xe từ Phú Thọ xuống Hà Nội mà không thấy ai là không đeo khẩu trang cả, trên xe ai cũng đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân”, anh Hùng nói.

Tại nhiều các tuyến đường, ngõ ngách của Thủ đô Hà Nội, cũng như các nhà hàng, quán xá, trung tâm thương mại, siêu thị… mọi người dần có thức đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và chỉ còn một số rất ít người không thực hiện việc này. Nhiều người đã hình thành thói quen khi ra khỏi là đeo khẩu trang để phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Tại các tòa nhà, văn phòng, công ty… ra những quy định bắt buộc mọi người phải chấp hành khi ra vào như: rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, do thân nhiệt. Nếu không thực hiện đeo khẩu trang bảo vệ sẽ không cho vào.(Nguyễn Hằng/VOV1)

Tại Yên Bái, người dân cũng đồng lòng thực hiện quy định dù nhỏ những góp phần quan trọng trong chống dịch Covid-19 này.

Theo ghi nhận của phóng viên tại nhà Ga, bến xe, cũng như tại nhiều cửa hàng và chợ ở Yên Bái, hầu hết mọi người đều thực hiện đeo khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải. Khi được hỏi, mọi người đều bày tỏ sự đồng tình về quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và biết rõ  ý nghĩa của việc làm này. Chị Nguyễn Phương Thảo, ở thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái nói: “Tôi thấy quy định bắt buộc này là cần thiết, vì giúp mọi người được an toàn hơn và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Còn bản thân tôi cũng như nhiều người khác ở Yên Bái thì đã thực hiện đeo khẩu trang từ trước khi có quy định bắt buộc. Nói chung là khi có dịch xuất hiện tại Việt Nam tôi đều đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà”.

Hầu hết người dân Yên Bái đều đeo khẩu trang nơi công cộng, hoặc khi tiếp xúc đông người.

Anh Lê Nam Phong - một nhân viên chuyển phát nhanh ở thành phố Yên Bái cho biết, do đặc thù công việc, anh thường phải tiếp xúc với nhiều người và đi lại nhiều địa điểm, nên việc đeo khẩu trang để phòng bệnh được anh ý thức và thực hiện thường xuyên.

Theo Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Yên Bái, đến hết ngày 15/3, toàn tỉnh Yên Bái chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh Covid-19. Hai trường hợp nghi nhiễm trước đó đang được cách ly, theo dõi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh sức khỏe đều ổn định. Đối với trường hợp 3 khách du lịch quốc tịch Pháp, nhập cảnh vào Việt Nam ngày 10/3  trên chuyến bay có 1 hành khách dương tính với Covid-19, đến du lịch xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải từ ngày 12-14/3; Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành phun khử trùng các khu vực có liên quan, điều tra những người tiếp xúc gần và đã cách ly tại nhà 10 người, tự theo dõi sức khỏe 25 người.

Hiện toàn tỉnh Yên Bái đang có 15 trường hợp cách ly tập  trung, 39 người đang cách ly tại nhà; hơn 300 người tiếp xúc liên quan đang được theo dõi sức khỏe tại nhà. Ngoài ra, còn có gần 3.000 người từ Hà Nội về Yên Bái trong những ngày gần đây thực hiện tự theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà theo quy định. Tất cả những người này sức khỏe hiện tại không có gì bất thường.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Yên Bái tiếp tục đề nghị mọi công dân, hộ gia đình, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ nhà hàng... thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các ngành chức năng, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh vào địa bàn. (Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc)

Trong khi đó, tại Sơn La, vẫn còn nhiều người "quên"đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đặc biệt là tại các khu chợ.

Từ sáng sớm, tại các điểm công cộng như bệnh viện, bến xe, hay các điểm giao dịch của các ngân hàng, các cửa hàng kinh doanh... ở tỉnh Sơn La, mọi người đều nghiêm túc thực hiện việc bắt buộc đeo khẩu trang để phòng, tránh dịch bệnh Covid-19. Bà Phạm Thị Hương ở phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La chia sẻ: “Tôi rất đồng tình với việc bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng là để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, cho mọi người. Và không những là bắt buộc mà đây việc đeo khẩu trang là cho mình khi đi ra đường tránh được bụi bậm và hít phải những khí không trong lành”.

Tại Sơn La, có những người chấp hành nghiêm túc, nhưng cũng có rất nhiều người "quên" đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít người "quên đeo", dù biết từ hôm nay quy định bắt buộc đeo khẩu trang được áp dụng hoặc chủ quan không đeo vì vướng víu, không tiện trong công việc. Anh Lường Hải ở phường Tô Hiệu, Thành phố Sơn La cho biết: “Khẩu trang lúc đi thì mới đeo chứ, tôi đứng một chỗ đeo thì không chịu được. Tôi nghe đài báo nói rồi, ra đường, hoặc đến nơi công cộng bắt buộc phải đeo nhưng mà đeo thì nóng lắm, nên nhiều lúc không đeo”.

Cá biệt, có những người dân ở trong bản, trong xã còn chưa nắm được thông báo mới này, nên ra đường cũng không đeo. Trao đổi với phóng viên, anh Lò Văn Tiến ở xã Chiềng Ngần, TP Sơn La nói: “Anh nói thì tôi mới biết, chứ tôi ở trong bản xa xôi rồi đi làm nương rẫy nên cũng không để ý thông tin. Mà đeo khẩu trang thì nóng và khó thở lắm”.

Đeo khẩu trang tại các nơi công cộng là một trong các giải pháp cần thiết nhằm chủ động phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19. Với đặc thù có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ nhận thức không đồng đều, các cấp, ngành, địa phương ở Sơn La cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành. Tất cả hướng tới mục tiêu không để dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào địa bàn./.(Đắc Thanh/VOV-Tây Bắc)