Đầu giờ sáng nay (28/6), tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương có rất đông bệnh nhi đến khám. Nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao khiến nhiều trẻ đã bị bệnh lại càng mệt mỏi.
Các bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương sáng 28/6. |
Chị Nguyễn Thị Hương (quê ở Hưng Yên) đưa con trai 7 tuổi lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám và chờ lấy số từ 5h sáng. Chị Hương nói, mấy ngày nay, con trai chị kêu đau bụng nên chị phải xin nghỉ việc để đưa con đi khám. "Trời nắng nóng quá, nhưng cháu cứ liên tục bị đau bụng mà không thấy đỡ nên phải xin nghỉ để đưa đi khám. Mặc dù 2 mẹ con đã đi từ rất sớm nhưng đến đây vẫn phải chờ, nắng nóng quá nên cả 2 mẹ đều mệt mỏi, khó chịu"- chị Hương nói.
Chị Nguyễn Thị Hương đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. |
Giữa cái nắng như đổ lửa, chị Phạm Thị Thúy (Hà Nội) cùng với mẹ mình nhễ nhại mồ hôi, bồng bế đưa con vào viện Nhi để khám bệnh. Chị Thúy cho biết, thời tiết nắng nóng, con gái nhỏ hơn 8 tháng tuổi của chị liên tục bị ho, sốt cao nên chị phải đưa con đi khám. "Đây là cháu thứ 2 nhà tôi. Cháu bị ho liên tục, đặc biệt là ho về đêm nhiều nên tôi phải đưa bé vào khám. Trời nắng nóng đến 40 độ, đến người lớn còn thấy mệt, huống chi là trẻ nhỏ”- chị Thúy nói.
Trời nóng, nguy cơ trẻ bị bệnh hô hấp cao
Sáng 28/6, trao đổi với phóng viên VOV.VN, TS.BS Nguyễn Thị Út- Trưởng khoa Khám bệnh chuyên khoa- Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, những ngày này, trung bình mỗi ngày, khoa Khám bệnh chuyên khoa của bệnh viện tiếp nhận và khám cho khoảng 1.400-1.600 trẻ. Thời tiết nắng nóng, các bệnh nhi đến khám thường liên quan đến các bệnh lý như viêm mũi, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm phế quản, nhiễm trùng đường tiêu hóa do ăn uống, viêm da...
TS.BS Nguyễn Thị Út- Trưởng khoa Khám bệnh chuyên khoa- Bệnh viện Nhi Trung ương khám cho bệnh nhi. |
Do nắng nóng nên phụ huynh thường tranh thủ thời gian đưa trẻ đi khám rất sớm. Vì vậy, khoa Khám bệnh đã triển khai khám lấy số từ 5h30 phút, đồng thời điều phối nhân lực đi làm rất sớm, tranh thủ đầu giờ buổi sáng để phục vụ bệnh nhi và người nhà bệnh nhân, nhằm giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh và tránh để trẻ nhỏ bị mệt mỏi, khó chịu.
TS.BS Nguyễn Thị Út cũng cho biết, trong thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, cha mẹ tránh đưa trẻ ra ngoài khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, đặc biệt là thời điểm từ 10-16h/ngày, bởi khi đó tia xạ lớn. Theo TS Nguyễn Thị Út, trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao, những bệnh lý về đường hô hấp có nguy cơ xảy ra rất cao.
“Cha mẹ nên chú ý đến không gian sống của gia đình, nhà cửa phải thoáng mát, tránh đưa trẻ ra ngoài khi trời nắng nóng. Ngoài ra, cần cho trẻ mặc quần áo chất mát, thấm mồ hôi; tránh thay đổi môi trường đột ngột cho trẻ, cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, trái cây mát để tăng sức đề kháng cho trẻ”- TS.BS Nguyễn Thị Út khuyến cáo.
Nắng nóng, người già nhập viện do đột quỵ gia tăng
Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, do nắng nóng liên tiếp trong những ngày qua, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện tăng gần gấp đôi, với khoảng 500-600 bệnh nhân/ngày.
Nắng nóng liên tiếp trong những ngày qua, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Lão khoa trung ương tăng. |
Ts.Bs Trần Quang Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, những ngày qua, số ca bệnh cấp cứu trong khoa tăng từ 2 – 3 lần. Đặc biệt, mới đây, có 2 trường hợp người cao tuổi tử vong do thời tiết quá nắng nóng. BS Thắng chia sẻ, thời điểm 2 trường hợp này nhập viện, qua hình ảnh chụp chiếu cho thấy các bệnh nhân đều bị xuất huyết não, bởi người nhà đưa đến bệnh viện quá muộn.
Theo TS.BS Thắng, cùng với trẻ nhỏ, người cao tuổi là một trong những đối tượng bị tác động nhiều nhất do nắng nóng. Nguyên nhân là do cơ thể của người cao tuổi thích nghi với môi trường rất kém.
“Đối với những người cao tuổi làm việc hay sinh hoạt dưới trời nắng nóng thường hay bị sốc nhiệt, làm nhiệt độ cơ thể tăng cao, khoảng trên 40 độ. Khi người cao tuổi ở nhiệt độ này sẽ dẫn cơ thể mất nước, nguy cơ tổn thương các cơ quan như thần kinh, suy đa tạng, có thể dẫn đến tử vong”- bác sĩ Thắng cho biết.
Ts.Bs Trần Quang Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương. |
Cũng theo bác sĩ Thắng, trời nắng nóng liên tục kéo dài còn khiến những người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp có nguy cơ biến chứng dẫn đến đột quỵ.
Bác sĩ Thắng cho rằng, cần kiểm soát, theo dõi định kỳ sớm các bệnh mãn tính ở người cao tuổi. “Khi đã kiểm soát tốt thì phải có các biện pháp phòng hộ, như tránh mặc quần áo sáng máu ra ngoài trong thời tiết nắng nóng. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, ăn nhiều chất rau củ quả. Trong trường hợp bị sốc nhiệt, cần phải đưa họ vào nơi râm mát, nới lỏng quần áo để nhiệt độ thoát ra, đồng thời lập tức gọi người hỗ trợ để đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất”- bác sĩ Thắng khuyến cáo./.
Ảnh: Hà Nội nắng nóng gay gắt, số trẻ em đến BV Nhi khám tăng cao
Nắng nóng gay gắt, các bệnh viện tìm cách “giảm nhiệt” cho người bệnh
Nắng nóng gay gắt tiếp tục diễn ra trên diện rộng