Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế thời tiết oi bức, nắng nóng trên diện rộng khiến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

vov_nang_nong_o_hue_1_hclc.jpg
Nắng nóng gay gắt khiến nhiều người phải bịt kín khi ra đường.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, nắng nóng gay gắt kéo dài gần một tuần qua làm đảo lộn mọi sinh hoạt và cuộc sống của người dân. Để tránh cái nắng như thiêu như đốt, người dân hạn chế ra đường vào những giờ cao điểm, nhất là buổi trưa.
Các công viên, nhà sách, siêu thị có rất đông người đến… trốn nóng. Các công viên hai bờ sông Hương vào giữa trưa có nhiều người ngồi dưới các gốc cây để trốn nắng, có người còn treo võng tại các gốc cây để nghỉ trưa.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, một người dân ở thành phố Huế cho biết: “Tình hình nóng gay gắt, người già và trẻ con ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, ăn uống kém so với bình thường. Các sinh hoạt như vui chơi giải trí của trẻ con bị hạn chế. Nhiều nhà dùng điều hòa ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ con, người già”.
Nắng nóng cũng khiến trẻ em, người già nhập viện tăng cao. Những ngày này tại Bệnh viện Trung ương Huế, số người già và trẻ con nhập viện gia tăng, chủ yếu mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp... Riêng tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế, bình quân mỗi ngày có từ 300 đến 400 cháu đến khám và điều trị.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở thành phố Huế đưa con nhỏ vào khám ở Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Thời tiết rất nóng, ngột ngạt. Oi bức khiến người dân phải đi “trốn” ở những nơi mát. Con nhà tôi sốt mấy ngày nay, bác sĩ nghi ngờ cháu bị sốt suất huyết”.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, dịp đầu hè cũng là thời điểm các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh sởi… diễn biến phức tạp. Do đó, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay khi có biểu hiện nóng, sốt để xác định rõ nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh biến chứng.

Người dân tìm các bóng râm để trốn nắng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Để đề phòng trẻ bị thiếu nước, nhiễm bệnh do nắng nóng, các bậc phụ huynh nên nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả tươi… và tránh cho trẻ ra đường vào những thời điểm nắng nóng gay gắt trong ngày.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Sơn nói: “Khi thời tiết nắng nóng, các dịch bệnh đường tiêu hóa hay sốt xuất huyết, sốt rét bùng phát… Khuyến cáo trong mùa hè, người dân phải đảm bảo được nguồn nước được đun sôi để nguội. Thứ hai là thực phẩm chống ôi thiu và đảm bảo vệ sinh cá nhân. Và đề nghị người dân khi có dấu hiệu sốt cao, tiêu chảy thì nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán khám và điều trị, không nên khám và điều trị tại nhà”./.