Trước tình hình cả nước liên tiếp xảy ra những vụ cháy nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người lẫn tài sản, ngày 20/12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Chủ trì hội nghị là Thứ trưởng Bộ Công an – Trung Tướng Bùi Văn Thành. Đến tham dự còn có Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC các đơn vị, tỉnh, thành phố trong cả nước.

vov_thu_truong_bui_van_thanh_bnzu.jpg
Trung Tướng Bùi Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.

Thống kê cháy, nổ trên cả nước: Những con số báo động

Năm 2016, tình hình cháy, nổ trên cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Theo thống kê, đã xảy ra 3006 vụ cháy, trong đó có 1229 vụ cháy tại các cơ sở, 1290 vụ cháy nhà dân, 169 vụ cháy phương tiện giao thông, và 318 vụ cháy rừng, làm chết 98 người, bị thương 180 người, thiệt hại về tài sản trị giá ước tính trên 1240 tỷ đồng và 1800 ha rừng.

Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra 29 vụ, mặc dù chỉ chiếm 0,96% tổng số vụ cháy nhưng gây thiệt hại 931,8 tỷ đồng, tương đương 75,1% tổng thiệt hại do các vụ cháy gây ra, làm chết 13 người, bị thương 4 người.  23 vụ nổ làm chết 7 người, bị thương 48 người, thiệt hại về tài sản khoảng 1,4 tỷ đồng.

Qua phân tích, tình hình cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tập trung chủ yếu cháy nhà dân, nhà liền kề (1290 vụ ~ 42,9%) và một số loại hình cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm: Khu công nghiệp, chung cư, cơ sở cho thuê mặt bằng để kinh doanh, ngoài ra năm 2016 nổi lên tình hình cháy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí như vũ trường, quán bar, karaoke.

Theo Đại tá Lê Tấn Bửu – Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, các vụ cháy xảy ra do chập điện chiếm đến khoảng 70%, số người thiệt mạng trong các vụ cháy chủ yếu là do ngạt thở (khí độc sản sinh ra từ những vật liệu cháy) và không có lối thoát hiểm. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng chưa đủ quyết liệt và ý thức, nhận thức của người dân trong việc PCCC chưa cao.

Qua đó, Đại tá Lê Tấn Bửu kiến nghị tăng cường công tác tuyên truyền đến dân, đồng thời phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, của chính quyền địa phương, và phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Toàn cảnh hội nghị.

Những hạn chế tồn đọng

Trong những năm qua, công tác PCCC tại các cơ sở đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tồn tại hạn chế, cụ thể như sau:

Về cơ sở hạ tầng: Khoảng cách an toàn PCCC giữa các công trình còn nhiều bất cập, không đáp ứng được các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC hiện hành gây ảnh hưởng không nhỏ đến các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC. Nhiều vấn đề bất cập về quản lý, điều hành công tác PCCC ở những nơi tiềm tàng nguy cơ cháy nổ cao như tại một số chung cư, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại. Trong khi đó với loại nhà ở liền kề mặt phố kết hợp kinh doanh còn thiếu các phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy. Đường dùng cho xe chữa cháy hoạt động không thuận tiện. Quan trọng hơn, những lối thoát nạn thứ 2 còn quá ít, thậm chí không có.

Ý thức người dân: Nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, người dân trong công tác PCCC còn nhiều hạn chế, chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC.  Người dân cũng thiếu kỹ năng thoát hiểm hoặc xử lý các sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu… Lực lượng PCCC dân phòng tại nhiều khu dân cư chưa hoạt động hiệu quả nên chưa phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ.

Vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về PCCC chưa tốt, còn có hiện tượng buông lỏng quản lý. Bên cạnh đó, công tác đầu tư, trang bị phương tiện PCCC còn hạn chế do khó khăn về ngân sách…

Các giải pháp được đề xuất

Trên tinh thần làm việc khẩn trương, tích cực, đi thẳng, nói thật vào vấn đề cốt lõi, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành đề nghị Cảnh sát PCCC các đơn vị, thành phố, tỉnh, địa phương tổ chức nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác PCCC, tập trung rà soát, sửa đổi, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC.

Bên cạnh đó, phải tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về PCCC để thay đổi, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, chú trọng việc hướng dẫn, phổ biến các kỹ năng thoát nạn, chữa cháy ban đầu. Tăng cường hướng dẫn cơ sở, khu dân cư tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả công tác “4 tại chỗ” ngay từ khi cháy, nổ mới phát sinh.

Trước khi kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành nhấn mạnh: “Phải kiên quyết xử lý các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân không đủ điều kiện an toàn PCCC và thoát nạn”./.