Không ít người vì một phút suy nghĩ cực đoan muốn tìm đến cái chết, nhưng sau đó lại hối hận thì đã quá muộn, cũng chỉ vì việc mua thuốc diệt cỏ hay thuốc độc ở nước ta dễ như mua rau.

Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận ít nhất 1 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất Paraquat và số ca nhập viện có xu hướng tăng. Năm 2015 là hơn 300 ca và năm 2016 là 450 ca. Hiện có 2 bệnh nhân ngộ độc Paraquat đang điều trị tại Trung tâm này và một bệnh nhân nặng xin về chiều 14/2.

thuoc_doc_mhzv.jpg
Bệnh nhân ngộ độc hoạt chất Paraquat (ngoài cùng bên trái) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Các bệnh nhân đa phần trẻ tuổi, thường uống thuốc diệt cỏ để tự tử với những lý do rất nhỏ nhặt như bị bố, mẹ mắng, giận người yêu hoặc giận vợ, giận chồng… Hầu hết những trường hợp này sau khi liều mình thì đều hối hận, muốn được cứu sống. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong là gần 90%.

Chất độc Paraquat ngấm vào phổi, gan, thận và phá huỷ nội tạng. Nhiều bệnh nhân sau khi được rửa dạ dày, các triệu chứng ngộ độc đỡ dần nhưng vẫn tử vong sau mấy tuần hoặc vài tháng điều trị, tốn kém hàng trăm triệu đồng. 

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, nếu như mọi người không “cả giận, mất khôn” và các loại chất độc, trong đó có thuốc trừ cỏ chứa chất Paraquat được quản lý tốt hơn thì sẽ hạn chế được những cái chết trong hối tiếc muộn màng, cũng như sẽ không lãng phí hàng trăm tỷ đồng tiền điều trị mỗi năm.    

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết, ngày 8/2 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định 278 tiến tới loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Paraquat ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, dựa trên các bằng chứng khoa học khẳng định hoạt chất này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái và môi trường.

Theo đó, các doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu tối đa hoạt chất này là 1 năm và buôn bán, sử dụng tối đa là 2 năm tính từ ngày quyết định vừa nêu có hiệu lực./.