Ở Sài Gòn mà tưởng miền Trung bão lũ

“Thật kinh hoàng, vô Sài Gòn sinh sống được gần chục năm, nhưng đây là lần đầu tiên thấy Sài Gòn mưa dữ dội đến vậy. Nước tràn ngập khắp cả khu trọ và làm mọi vật dụng trong phòng ngổn ngang, tứ tung”, chị Huỳnh Vân (29 tuổi, quê ở Nam Định), buồn rầu kể.

Khu trọ mà chị Vân sinh sống nằm trong hẻm 270B Lý Thường Kiệt (P.6, Q.Tân Bình). Dù nằm giữa Sài Gòn hoa lệ nhưng khu vực này không khác gì xóm nghèo đìu hiu ở các vùng quê. Những căn phòng tạm bợ, lối đi và đường đầy nắng bụi mưa bùn, môi trường ẩm thấp… Và cơn mưa kinh khủng càng khiến cho nơi đây vốn đã xác xơ lại càng thêm tơi tả.

ngap_nc_arlf.jpg
Nhà trọ bị nước tràn vào

Nói như anh Quốc Bảo, công nhân ở Khu Công nghiệp Tân Bình (32 tuổi, quê Quảng Ngãi), thì: “Đang ở Sài Gòn mà cứ tưởng ở quê. Đang ở Sài Gòn mà cứ tưởng đang ở vùng rốn lũ. Chưa bao giờ thấy mưa to như hôm nay”.

Anh Tuyển giải thích: “Bởi nước ngập khắp các phòng trọ, làm ướt mọi thứ trong phòng, cả khu trọ nhìn hoang tàn, giống hệt như cảnh thường thấy ở quê em Quảng Ngãi, vùng rốn lũ miền Trung”.

Lòng heo, giáo trình trôi... lơ đãng

Ở khu trọ này, người thuê chủ yếu là công nhân, người lao động và sinh viên. Cơn mưa tầm tã như trút nước bắt đầu khoảng 16 giờ 15, và sau đó đổ hoài không ngớt.

Thời điểm này nhiều sinh viên đang trên giảng đường, những công nhân đang trong công xưởng. Người lao động, chủ yếu bán cháo lòng, đang mải miết mưu sinh khắp các nẻo đường Sài Gòn. Chính vì thế, cơn mưa to đến bất ngờ và “ghé thăm” các phòng trọ khi khổ chủ vắng nhà. Rất ít người có cơ hội để đồ đạc lên phía trên.

“Lúc về, ổ sạc điện vẫn còn sáng đèn vì đang nấu dở nồi cơm, đang ngập trong “biển nước”. Giường nệm, mùng mền, quần áo ướt nhẹp. Các vật dụng trong nhà như bàn, tủ, ly, chén, bình đựng nước… trôi ngổn ngang khắp nơi trong phòng. Nhìn, và chỉ muốn khóc”, Lệ Thu, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nói.

 
 

Hai anh em Quốc Vương và Quốc Đạt (quê ở tỉnh Thanh Hóa) cũng trọ nơi này. Vương, anh trai, ngày ngày mưu sinh bằng việc bán cháo lòng để nuôi đứa em học trường ĐH Bách Khoa. Xế chiều, trước khi đẩy xe đi bán, Vương để dành ít lòng heo ngon, để anh em có bữa cơm tối thật ngon. Nào ngờ, cơn mưa quá lớn ập đến đã cuốn trôi mọi thứ.

“Khi tan học về, nhìn thấy trong nhà đầy nước, ngập đến gần cả đầu gối, làm ướt mọi thứ không chừa gì. Vật dụng gì để dưới nền nhà là trôi đi, kể cả ấm nước, chén đĩa, sách vở… Nhìn lòng heo, giáo trình vương vãi trong dòng nước, buồn vô cùng”, Đạt kể.

Chị Thị Thanh (26 tuổi, Long An), ta thán với ánh mắt buồn rười rượi: “Đi làm về đã mệt, nhìn cảnh mọi thứ nằm trên biển nước thế này chỉ muốn khóc, chỉ muốn vứt mọi thứ tìm phòng trọ mới thôi”. Nói rồi chị lại tất bật gom những đồ đạc đang ướt dưới nhà, lau chùi phòng…

“Ngủ ở đâu?”

Cũng vì cơn mưa lớn khủng khiếp quái ác ấy đã khiến nhiều người ở khu trọ này rơi vào những tình cảnh khóc dở mếu dở. Có nhóm 3 sinh viên Trường ĐH Bách khoa, vì tiết kiệm, chẳng mua tủ để treo đồ đạc và gấp vào bỏ trong những thùng giấy, đặt dưới nền nhà. “Bây giờ nói thật là em không còn quần áo để mặc, cả đồ dơ lẫn đồ sạch đều ướt hết rồi. Không biết mai lấy gì mặc đi học nữa”, Hoàng Tuyển, thành viên trong nhóm, chia sẻ.

Câu chuyện này “không của riêng ai”, khá nhiều người rơi vào “thảm cảnh” này, khi quần áo, giày dép, mùng mền đều ướt.

Nhưng có lẽ, điều khiến mọi người mệt mỏi và buồn nhất, chính là việc phải tìm kiếm chỗ tá túc đỡ qua đêm.

21 giờ 30, khi cơn mưa ngớt hạt, Tuyển gọi điện cho bạn cùng lớp, xin được ở ké một đêm. “Nhưng tụi nó ở trọ đường Phan Huy Ích cũng bị ngập phòng. Giờ em cũng chưa biết đi đâu ngủ đâu”, Tuyển nói. Cả nhóm lại hoang mang hỏi nhau: “Rồi lát nữa ngủ ở đâu?”.

Tương tự, anh Quốc Bảo cũng nói: “Chưa biết ngủ ở đâu vì giường chiếu, gối mền đã ướt sạch trơn. Có lẽ giờ chạy xe ra kiếm quán cà phê nào đó ngồi đỡ, rồi đợi sáng đến ca làm luôn quá”. Nói rồi anh khởi động xe máy, nhưng xe chẳng thể nổ được, vì nước ngập tràn vào cả ống pô xe.

Trong khi đó, những người như anh Vương, chị Vân thì chỉ mong nước rút thật nhanh, để tạt nước rồi lau dọn nhà, và chấp nhận ngủ trên căn phòng ẩm ướt vì sáng mai, khoảng 3, 4 giờ, họ lại dậy để tiếp tục một ngày mưu sinh./.