Đặc biệt, một số hồ chứa nước lớn như Định Bình, đập dâng Vân Phong, hồ Núi Một, Hội Sơn… liên tục phải xả nước để đảm bảo an toàn hồ đập.

vov_mua_lu_o_binh_dinh_2_qujo.jpg
Ảnh minh họa.

Sau 4 đợt lũ lớn với những trận mưa như trút nước, hầu hết các hồ chứa trên địa bàn huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đều đã no nước và xả tràn để đảm bảo an toàn hồ chứa. Hồ chứa nước đập Cùng nằm ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ đang trong tình trạng báo động. Thân đê sạt lở, một số vị trí của hồ chứa nước bị thẩm thấu, rò rỉ qua thân đê. Người dân sống gần các hồ chứa nước vô cùng lo lắng, bởi sau 4 đợt mưa lũ lớn đã xảy ra tình trạng nước thẩm thấu qua các bờ đê.
Ông Trần Đức Thuận ở thôn Đại Lương, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết: bà con lo sợ vỡ hồ đã chủ động di chuyển gia súc, gia cầm và tài sản đến nơi cao ráo.
Ông Trần Đức Thuận cho biết: "Bà con chúng tôi cũng như chính quyền địa phương đang lo lở bờ. Những người có sức khỏe hỗ trợ người già, trẻ em gia súc, gia cầm, các tài sản của nhân dân di chuyển đến nơi cố định, cao ráo".
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 44 trong tổng số 166 hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng. Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã yêu cầu chủ hồ chứa nước và chính quyền địa phương huy động hơn 3.000 bao cát gia cố các điểm rò rỉ, thẩm thấu. Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường ứng trực và đề cao cảnh giác trong tình hình mưa lũ như hiện nay.

Ông Trần Châu cho biết: "Lượng nước từ thượng lưu thẩm lậu qua thân đập và chảy về hạ lưu. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra vỡ đập. Thứ hai là tất cả các hồ chứa đều có nguy cơ nước vượt qua đập đất. Cho nên UBND tỉnh chỉ đạo cho UBND các huyện và chủ các hồ nước phải tập trung đi kiểm tra thường xuyên ở mái đập, kể cả thượng lưu và hạ lưu. Sau đợt mưa lũ này, chúng tôi sẽ báo cáo lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như UBND tỉnh sẽ có kế hoạch sửa chữa gấp tất cả các hồ chứa như thế này"./.