Tại tỉnh Phú Thọ, nhiều khu vực trong tỉnh như thành phố Việt Trì, huyện Cẩm Khê... mưa đá xuất hiện cùng với mưa lớn, khiến trời càng thêm lạnh buốt.
Mưa đá dày đặc với những viên đường kính trung bình 1cm-3cm, nhiều nơi lên đến hơn 5cm đã khiến hàng nghìn ngôi nhà cùng hàng trăm ha rau màu, cây ăn quả thiệt hại nặng nề. |
Tại thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, sau cơn mưa đá chiều 30 Tết, đến chiều nay mưa đá lại tiếp tục xuất hiện. Cơn mưa đá kéo dài từ 5 đến 10 phút với mật độ dày đặc gây bất ngờ cho người dân.
Do ảnh hưởng của những trận mưa đá và giông lốc, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng, gây thiệt hại không nhỏ về nhà ở, cây trồng, vật nuôi.
Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 10/11 huyện, thành phố với 92 xã bị ảnh hưởng bởi mưa đá. Trong đó, có thôn Bản Gỉ, Bản Giảo, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định là bị ảnh hưởng nặng nề nhất với trên 90% hộ nhà dân bị thủng mái nhà.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh Lạng Sơn có 2.000 nhà ở của người dân bị tốc mái với mức độ hư hỏng trên 50%. Một số diện tích rau màu, cây trồng vụ đông….bị hư hại nặng. Ước tổng thiệt hại do mưa đá gây ra khoảng 20 tỷ đồng.
Lạng Sơn có khoảng 2.000 gia đình bị tốc mai và thủng mái nhà do mưa đá. |
Theo số liệu tổng hợp của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, số nhà bị ảnh hưởng do mưa đá đã lên đến 3.450 căn cùng hàng trăm ha cây trồng bị thiệt hại nặng nề.
Ngân Sơn là huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 2000 căn nhà bị hư hỏng, trong đó phần lớn là hỏng mái, nứt vỡ đồ đạc, nhiều ngôi nhà hư hại đến hơn 70% phần mái lợp.
Tiếp đó là các huyện Chợ Mới gần 620 nhà, Bạch Thông gần 600 nhà; huyện Ba Bể gần 120 nhà; Chợ Đồn và Na Rì mỗi huyện có khoảng 50 căn nhà bị hư hại. Mưa đá cũng khiến hàng trăm ha thuốc lá, rau màu, cây ăn quả bị thiệt hại nặng nề.
Trong ngày 25/1 tại Bắc Kạn tiếp tục có mưa lớn, một số nơi vẫn có mưa đá nhưng không gây thiệt hại đáng kể. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, thăm hỏi, động viên nhân dân, đồng thời họp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn ngay trong đêm để có phương án khắc phục.
Tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức huy động mọi nguồn lực tại chỗ giúp người dân khắc phục, bố trí chỗ ở khác tại trụ sở nhà họp thôn, trường học... và mua bạt, chăn ấm cấp cho người dân. Đến thời điểm này đã tạm thời ổn định cuộc sống cho các hộ không còn nhà ở, các hộ bị hư hại nhẹ cũng đã được gia cố, sửa chữa đảm bảo không có hộ dân nào bị đói, rét và không có chỗ ở.
Sáng mùng 1 Tết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đến thăm hỏi, động viên một số gia đình bị thiệt hại nặng do mưa giông tại tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn |
Trong sáng 25/1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp có mặt tại Bắc Kạn để kiểm tra tình hình, chỉ đạo công tác khắc phục và thăm hỏi người dân bị thiệt hại.
Sau các đợt mưa lớn kèm theo mưa đá, nhiệt độ ở các địa phương phía Bắc tiếp tục giảm xuống, trời rét buốt, ảnh hưởng đến cuộc sống và du Xuân của người dân. Mưa đá, mưa lớn kèm theo sấm chớp, mưa giông xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán là hiện tượng hiếm gặp.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, nguyên nhân do rãnh áp thấp của không khí lạnh tạo ra kết hợp với gió hội tụ trên cao đã gây ra hiện tượng thời tiết bất thường này./.