Để đưa ra mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp đến phiên thứ 2 với sự tham gia của 3 bên gồm đại diện của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp (VCCI) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

quang_bknu.jpg
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Không khí đàm phán giữa các bên trong buổi họp chiều nay (11/7) diễn ra căng thẳng.

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, đến phiên họp thứ 2, các bên đã hiểu nhau hơn, nhưng sau nhiều giờ thảo luận vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về mức tăng lương. 

Theo ông Quảng, tăng lương tối thiểu quả thực tạo ra những áp lực cho doanh nghiệp, nhưng đó là động lực cho người lao động công hiến, tăng năng suất lao động và cuối cùng tạo nên sự tăng trưởng, phát triển cho doanh nghiệp.

"Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta cần giải quyết những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng nếu chính sách tiền lương quá thấp thì đối tượng hưởng lợi chỉ có các doanh nghiệp FDI, trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vẫn có những thách thức", ông Quảng chỉ rõ.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, dù đến nay các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về cách tính mức sống tối thiểu làm căn cứ để xác định mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, Nghị quyết 27 cũng đã nêu rõ đến năm 2020 mức lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu. 

"Chúng tôi cho rằng mức lương tối thiểu tăng từ 5,6-6,5% là có thể chấp nhận được", ông Quảng cho biết. 

Trong khi đó, ông  Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng hiện phía doanh nghiệp vẫn đang giữ đề xuất tăng từ 1-2% so với năm 2018. "Chúng tôi sẽ điều chỉnh một cách phù hợp, nhưng theo đề xuất của Tổng LĐLĐ VN thì chưa ổn. Hiện nay vẫn còn khoảng cách rất lớn trong việc tính mức sống tối thiểu, năng lực chi trả, cạnh tranh của doanh nghiệp".

Phó Chủ tịch VCCI  lo ngại, hiện nay năng lực chi trả của doanh nghiệp có hạn, nếu tăng lương thêm 1% thì mức chi phí của doanh nghiệp có thể đội lên 10%. Trong bối cảnh nền kinh tế mở, hội nhập sâu cần tạo điều kiện để tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó tạo ra việc làm bền vững cho doanh nghiệp.

Hiện các bên vẫn đang tiếp tục thảo luận để đưa ra thống nhất về mức lương tối thiểu vùng năm 2019./.