Khu vực chân đèo Hoàng Liên Sơn, thuộc bản Chu Va, huyện Tam Đường, Lai Châu ngày 26/6 mưa vẫn nặng hạt.
Dòng nước lũ đầu nguồn đổ về suối Chu Va, nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ lịch sử tại Lai Châu.
Toàn bộ gần chục ha bể nuôi cá tầm, cá hồi của người dân địa phương đã bị san phẳng bởi bùn đất, gây thiệt hại nặng nề cho người dân nơi đây. Đau xót hơn khi chính chủ một trong các trại cá nơi đây bị dòng nước lũ cuốn đi đến nay đã gần 3 ngày vẫn chưa tìm thấy xác.
Khu trại nuôi cá tầm, cá hồi tại bản Chu Va, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường đã bị san phẳng sau lũ. |
Tiếng nấc nghẹn lòng phát ra từ cổ họng chua chát hòa trong tiếng rít của dòng lũ suối. Toàn bộ tài sản của gia đình trị giá hàng chục tỷ đồng chỉ trong nháy mắt đã cuốn cùng dòng nước theo chồng.
Chị Vũ Thị Mai Phương chia sẻ: "Nước ập về rất mạnh, chồng tôi cố giữ cho cá khỏi đi nhưng không thể. Nước cứ thế cuốn đi mọi thứ, nhà cửa, xe cộ và cả chồng tôi. Khi cơ quan chức năng chưa lên, tôi vẫn còn hy vọng là chồng tôi đang trú ẩn ở chỗ nào đấy chưa ra. Nhưng đến khi cơ quan chức năng đi tìm thì không thấy ông ấy nữa thì lúc đấy tôi biết tôi mất ông ấy thật rồi".
Hiện nay đã có 36 người bị chết, bị thương và mất tích; gần 300 nhà ở của dân bị đất đá trôi sạt lở gây hư hỏng; trên 600 ha lúa, ngô, hoa màu khác bị ngập úng, vùi lấp hoặc lũ cuốn trôi… 68 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt; 45 trạm biến áp bị ảnh hưởng gây mất điện tại 10 xã...
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục khí tượng thủy văn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, mưa lũ gây thiệt hại lớn đầu mùa mưa ở Lai Châu là một biểu hiện rất rõ của biến đổi khí hậu cực đoan và phạm vi của nó chỉ xảy ra ở một phạm vi rất hẹp.
Mưa trên địa bàn ngày tới sẽ giảm dần, nhưng thiệt hại cũng sẽ chưa thể hết vì nước đã ngấm no trong đất và người dân cần đề phòng thiệt hại thêm về người và tài sản.
Ông Lê Thanh Hải cũng cho biết thêm: "Lũ tại hồ Bản Chát đã lên tới 6.700 m3/giây, cũng là kỷ lục trong thời kỳ này của mùa lũ. Theo chúng tôi thì mưa trong đợt này đang có dấu hiệu dịch chuyển sang các tỉnh Đông Bắc. Và phía bên Tây Bắc vẫn còn, nhưng mưa lớn đang giảm rồi và có lẽ nó sẽ còn tiếp tục trong một hai ngày nữa".
Riêng tỉnh Lai Châu tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích. Di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói.
Dù mưa đã ngớt dần, nhưng thiệt hại trong đợt mưa lũ lịch sử lần này vẫn chưa dừng lại ở những con số đã thống kê. Sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương những ngày qua trong khắc phục thiệt hại đã phần nào giảm thiểu những mất mát đau thương. Tuy nhiên, tại các địa phương ở Lai Châu vẫn còn rất nhiều khó khăn, bộn bề và rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự góp sức, sẻ chia của các tổ chức, cá nhân trong cả nước./.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo khắc phục mưa lũ tại Lai Châu
Ảnh: Sạt lở khủng khiếp ở Lai Châu, người dân dầm mưa chờ được về nhà
Lai Châu tiếp tục thông tạm các tuyến Quốc lộ 4D và 12