Tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai ở vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đang diễn ra hết sức phức tạp. Hậu quả nhãn tiền của việc hút cát thiếu kiểm soát đã rõ ràng khi hàng trăm héc -ta đất trồng bị nhấn chìm xuống sông, thậm chí uy hiếp cả Vườn quốc gia Cát Tiên. Thế nhưng, những tàu hút cát vẫn ngang nhiên hoạt động nhờ “lá bùa”... giấy phép.
Tất cả đều có phép
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thượng Chuẩn, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng khi được hỏi về tình trạng khai thác cát kiểu hủy diệt trên sông Đồng Nai - đoạn qua địa bàn xã. Ông Chuẩn xác nhận, địa phương nổi cộm tình trạng hút cát gây sạt lở khiến người dân bức xúc, nhiều lần kéo lên xã phản ánh.
Sạt lở "nuốt" gần hết vườn cà phê |
Trước tình hình đó, xã đã tổ chức một đội tuần tra chuyên theo dõi, bắt quả tang những tàu vi phạm quy định. Nhưng đội này chẳng thể đi tuần 24/24, hơn nữa, bởi các tàu đều có phép nên xã cũng chỉ có thể xử phạt nếu bắt quả tang, còn xử lý triệt để, căn cơ thì không có thẩm quyền.
“Chúng tôi thấy chứ không phải không thấy, nhưng mà đơn vị hút cát họ được cấp phép. Khi đội tuần tra đi thì họ len lén hút nhưng thấy đội tuần tra thì họ không làm. Còn ban đêm thì chúng tôi không thể nào quản lý được trên đó. Chúng tôi làm hết trách nhiệm của địa phương thôi”, ông Chuẩn nói.
Thực tế theo quan sát của phóng viên, những tàu hút cát hàng ngày hoạt động ngay sát bờ sông, bất chấp có người gần đó hay không, bởi đơn giản họ có giấy phép. Còn người dân thì chắc chắn rằng, đáy sông hết cát rồi nên họ cắm vòi vào bờ mà hút. Bằng chứng rõ ràng nhất là hàng chục, hàng trăm khối đất canh tác của người dân đã và đang trực chờ biến mất. Táo tợn hơn, những doanh nghiệp khai thác cát ở đây ngang nhiên đặt vấn đề mua đứt đất của dân để hút cát – điều mà tất cả dân ở thôn 2, xã Quảng Ngãi đều biết nên nhiều người phản đối quyết liệt, nhưng cũng có người đã không còn niềm tin vào khả năng giữ đất của mình, của chính quyền.
Bên siết giấy phép, bên cấp ồ ạt!?
Ở bờ sông bên kia, ông Lê Văn Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai thẳng thắn chỉ rõ, phía bờ Đồng Nai - đoạn qua địa bàn xã hiện chỉ có một doanh nghiệp khai thác cát, còn phía Lâm Đồng có tới 5 doanh nghiệp với số lượng tàu lên tới 15 đến 20 chiếc.
Theo quy định, cấp phép bên nào, khai thác bên đó, nhưng thực tế không ai kiểm soát được, bất cứ lúc nào có thể, các tàu phía Lâm Đồng sẵn sàng thò vòi sang hút cát bên phía Đồng Nai.
Một tàu hút đi ngang qua đoạn bờ sông đã sạt lở hàng trăm mét |
Ông Trần Bá Đạt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú cho biết, thời gian vừa qua, huyện đã rất quyết liệt trong việc xử lý tình trạng khai thác cát lậu, hoặc lợi dụng giấy phép để khai thác ngoài phạm vi với nhiều trường hợp bắt quả tang, tịch thu phương tiện.
Để giải quyết triệt để, huyện Tân Phú cũng sẽ kiến nghị tỉnh Đồng Nai xem xét ngừng cấp giấy phép khai thác cát trên địa bàn huyện. Dù vậy, ông Đạt tỏ ra băn khoăn trước những diễn biến phức tạp ở vùng giáp ranh, khi Đồng Nai cố gắng siết, nhưng phía Lâm Đồng thì vẫn khai thác ồ ạt với rất nhiều doanh nghiệp được cấp phép.
“Nửa sông bên đây là của Đồng Nai, nửa sông bên kia là của Lâm Đồng và cái đáy sông thì rất là nhỏ, cho nên việc quản lý khai thác, lấn chiếm lòng sông gây sạt lở rất là khó quản lý. Ghe thả bên kia nhưng thả cái vòi bên đây. Địa phương kiến nghị với tỉnh Lâm Đồng là xem xét, cân nhắc hạn chế cấp giấy phép”, ông Đạt cho biết.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú, Đồng Nai thông tin thêm, trên cùng đoạn sông Đồng Nai giáp ranh, tỉnh Đồng Nai cấp phép cho 3 đơn vị, còn phía Lâm Đồng con số này là 14.
Tàu vẫn hút cát bất chấp sạt lở nghiêm trọng |
Ngày 18/3, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình một lần nữa nhắc lại vấn đề kiểm soát khai thác, chống “cát tặc”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tạm ngừng cấp phép, không thể để tình trạng cấp phép rồi buông lỏng cả ở trung ương và địa phương, dưới hình thức nạo vét tuyến, luồng nhưng lại cho tận thu khoáng sản. Đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ đằng sau lưng những đối tượng vi phạm trong khai thác khoáng sản là những tổ chức tội phạm nào?
"Không thể để cái tình trạng này tiếp tục. Từ vi phạm trở thành tội phạm. Khai thác khoáng sản trái phép là tội phạm. Phải giám sát, phải kiểm soát, phải quy chuẩn hóa công nghệ khai thác này. Cứ đem tàu đến mà hút cát rồi bảo là nạo vét nhưng bùn và rác thì đổ lại, còn cát thì cho lên tàu", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Trong khi cả nước đang siết chặt khai thác cát theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì ở vùng giáp ranh 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, nhiều con tàu vẫn ồ ạt hút cả lòng sông để lấy cát...
Cần khẳng định rằng việc khai thác cát là cần thiết, bởi đây là nguồn vật liệu quan trọng không thể thiếu trong ngành xây dựng, do đó, không thể cấm hoàn toàn. Nhưng khai thác thế nào, quản lý làm sao cho hợp lý, vừa đáp ứng được nhu cầu của đời sống xã hội nhưng đồng thời phải đảm bảo nguồn tài nguyên quý giá không bị tận thu ồ ạt, không chỉ ảnh hưởng trước mắt mà còn để lại hậu quả về lâu dài.
Đã đến lúc 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng cần tìm ra tiếng nói chung để giải quyết những tồn tại vừa nêu trong khai thác cát tại địa bàn quản lý./.
Loạn khai thác cát vùng giáp ranh giữa Đồng Nai và Lâm Đồng
Hà Nội “dẹp” nạn khai thác cát trái phép trên sông Hồng