Do địa hình đồi núi dốc, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, nên mỗi khi nhắc đến Lai Châu là cánh tài xế đường dài ái ngại với những cung đường đèo, khúc cua tay áo nguy hiểm.

Thế nhưng, nhờ những giải pháp xóa điểm đen, nắn đường cắt cua gấp, làm đường lánh nạn, nên thời gian qua tai nạn giao thông tại Lai Châu đã giảm đáng kể. 

diem_den_tngt_fjhb.jpg
Một trong những điểm đen thương xuyên xảy ra tai nạn giao thông nay đã được khắc phục, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.
“Điểm đen” thường xuyên xảy ra TNGT thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lai Châu, được cánh lái xe đường dài khiếp đảm nhất thuộc km 38+500 trên quốc lộ 4D, ở địa bàn bản San Thàng 2, xã San Thàng, thành phố Lai Châu.

Đây điểm giao thông thuộc chân đèo Giang Ma có địa hình dốc, cua gấp, mặt đường hẹp, che khuất tầm nhìn và thường xuyên xảy ra tai nạn những năm qua.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lai Châu, từ năm 2003 đến nay tại đây đã xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4 người, bị thương 12 người, làm hư hỏng nặng 11 ô tô và xe máy, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Gần đây, ngày 15/3/2016, xe ô tô đầu kéo mang biển kiểm soát 15C-05205 do lái xe Trần Xuân Chiến điều khiển đi theo hướng từ huyện Tam Đường về thành phố Lai Châu, khi vào cua đã bị khuất tầm nhìn, khiến xe bị lật, phương tiện hư hỏng nặng và lái xe bị thương phải vào viện cấp cứu.

Việc sửa chữa, khắc phục các điểm đen luôn có sự đồng hành của Bảo việt Lai Châu
Anh Phan Ngọc Lâm, một người dân sinh sống trên địa bàn thành phố Lai Châu và thường xuyên phải qua lại đoạn đường này cho biết: Tai nạn ở đây thường xảy ra vào đêm khuya và sáng sớm, do đường vắng nên khi qua đây lái xe chủ quan chạy nhanh và khi đến cua không xử lý kịp, dẫn đến xe bị lật hoặc lao xuống vực.

Thời gian gần đây, điểm này đã được cơ quan chức năng lắp đặt gương cầu, mở rộng khúc cua nhưng vẫn rất nguy hiểm. Để lái xe qua đây thật sự an toàn, rất mong các cơ quan chức năng cho cắm bổ sung thêm hệ thống cọc tiêu, biển báo hiệu, đèn cảnh báo, gồ giảm tốc, mở rộng cua… để lái xe có tầm nhìn rộng hơn. Anh Phan Ngọc Lâm nói: “Khúc cua này quá nguy hiểm, năm nào cũng xảy ra tai nạn. Khi xảy ra TNGT rất nặng vì phương tiện nào cũng lao xuống vực. Tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm xử lý nắn cua và có những giải pháp hạn chế tai nạn, để bà con sống ở khu vực này đỡ sợ”.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lai Châu, trong 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn đã xảy ra 36 vụ tai nạn, làm 19 người chết, 39 người bị thương, 22 ô tô và mô tô bị hư hỏng và ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 69 triệu đồng.

So với cùng kỳ năm trước, tình hình TNGT trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Có được kết quả trên là do Ban an toàn giao thông tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng như: Sở Giao thông – Vận tải, Bảo việt Lai Châu, Phòng Cảnh sát giao thông… xử lý nhiều “điểm đen” phức tạp, thường xuyên xảy ra tai nạn như: mở đường cắt đoạn cua gấp, làm đường tránh nạn, bổ sung các biển báo, xây tường phòng hộ, lắp đặt gương cầu…

Đại tá Nguyễn Văn Luy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Cùng với việc xử lý các “điểm đen”, địa phương đã đưa sáng kiến “Giải pháp về lĩnh vực đề phòng hạn chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu” của Bảo Việt Lai Châu vào áp dụng.

Từ đó, Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền luật giao thông đường bộ, tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm; tổ chức cho 100% lái xe kí cam kết chấp hành Luật giao thông đường bộ, tăng cường tuần tra kiểm soát… nên tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn đã được kìm chế”.

Đại tá Nguyễn Văn Luy nói: “Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, trên 4 tuyến quốc lộ chính đều có những điểm đen thường xuyên gây tai nạn giao thông. Các điểm đen do tầm cua bị che khuất, độ dốc cao, phương tiện lưu thông bị che khuất tầm nhìn nên thường xuyên xảy ra tai nạn.

Phòng Cảnh sát giao thông đã đưa ra chương trình về tất cả các giải pháp, trong đó việc đầu tiên là cùng với các cơ quan chức năng khảo sát và kiến nghị xử lý những điểm đen về an toàn giao thông, để từ đó tìm ra nguyên nhân giải quyết, khắc phục”.

Việc xử lý các “điểm đen” thường xuyên xảy ra TNGT không thuộc trách nhiệm của riêng một cơ quan, đơn vị nào mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Đặc biệt, đối với Lai Châu – địa phương có địa hình và hạ tầng giao thông phức tạp, việc xử lý các “điểm đen” TNGT  lại càng phải được  mở rộng thực hiện triệt để. Tuy nhiên, muốn giảm thiểu tai nạn giao thông, ỗi cá nhân cần có ý thức xóa “điểm đen” của mình khi tham gia giao thông trên các tuyến đường./.