Trước đó, ngày 5/3 cháu Nguyễn Thị Thảo Hương, 4 tháng tuổi, ở bản Lò Suối Tủng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu được bố mẹ đưa đến Trạm Y tế tiêm vacxin phòng bệnh theo thông báo của Trạm Y tế địa phương.

Tại đây, cháu bé được y sĩ tiêm và uống 3 loại vacxin  BCG, Quinvaxem và bOPV. Sau khi tiêm và uống, bé Hương được Trạm y tế giữ lại khoảng 30 phút để theo dõi biến chứng rồi được gia đình đưa về nhà.

Đến khoảng 17 giờ chiều cùng ngày, cháu Hương được mẹ cho ăn và cho ngủ. Tuy nhiên, sau đó một giờ mẹ cháu vào bế cháu dậy thì không thấy cháu thở, người lạnh. Dù được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cấp cứu, nhưng cháu đã tử vong trước khi được cấp cứu.

Sau khi cháu bé tử vong, Sở Y tế Lai Châu đã thành lập đoàn công tác phối hợp với lực lượng công an địa phương tiến hành điều tra, xác minh. Ngành Y tế địa phương xác định, tiền sử cháu bé sinh non khi mới được 28 tuần tuổi, nặng 1,3kg và được gia đình nuôi lồng ấp hơn 2 tháng mới đưa về nhà.

Trước khi xảy ra sự việc khoảng 1 tháng, cháu bé cũng được gia đình đưa đến Trạm y tế xã để tiêm phòng, nhưng không được thực hiện vì không đủ điều kiện về sức khỏe, thể trạng. Khi được chỉ định tiêm ngày 5/3 vừa qua, thể trạng cháu nặng 3.5kg và được khám sàng lọc đủ tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Văn Đối, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho biết: Hội đồng tư vấn chuyên môn của Sở đã họp và đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vacxin tiêm chủng. Việc đánh giá được tập trung vào 5 nhóm nguyên nhân là: chất lượng vacxin, thực hành tiêm chủng, yếu tố tâm lý, trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý khác và do phản ứng của cơ thể với vacxin. Tuy nhiên, kết luận của Hội đồng là cháu bé tử vong chưa rõ nguyên nhân và không loại trừ sốc phản vệ do vacxin vì gia đình không cho cơ quan chức năng mổ tử thi./.