Trong tổng số 695 đơn vị ở tỉnh Kon Tum nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền gần 73 tỷ đồng có 444 đơn vị thuộc khối doanh nghiệp và 251 đơn vị thuộc khối hành chính.

vov_bhxh_arkf.jpg
Nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh nợ BHXH thời gian dài. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý nhiều đơn vị nợ với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài như Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Duy Tân nợ 36 tháng với số tiền gần 3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tấn Phát nợ 27 tháng với số tiền 1,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum nợ 45 tháng với số tiền 1,5 tỷ đồng… Ngoài ra các đơn vị sử dụng Ngân sách Nhà nước cũng nợ bảo hiểm y tế lên đến gần 28 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Lực, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kon Tum, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng là do các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; đơn vị sử dụng Ngân sách Nhà nước chiếm dụng tiền để chi lương cho người lao động; chưa chú trọng tới chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và cố tình chây ỳ để chiếm dụng vốn; chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ Bảo hiểm xã hội.

Về những giải pháp để thu hồi nợ đọng, ông Trần Văn Lực, cho biết: "Đối với việc nợ Ngân sách các Chủ tịch UBND cấp huyện phải có trách nhiệm khi chi trả tiền lương thì đồng thời phải chuyển trả nộp vào Quỹ Bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Đối với nhóm nợ đọng doanh nghiệp cũng tăng cường thanh tra kiểm tra, phối hợp giữa cơ quan bảo hiểm xã hội, Liên đoàn lao động. Thường xuyên đối chiếu công nợ. Hàng tháng thông báo số nợ của các đơn vị về cho các cơ quan quản lý. Ngoài ra Bảo hiểm tỉnh cũng đang phối hợp với Kho bạc Nhà nước tăng cường kiểm soát chi ngân sách Nhà nước để thu nợ các đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước” ./.