9 tháng đầu năm 2019 số vụ cháy và số người chết tăng hơn 2018

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ, trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 3.059 vụ cháy, làm chết 75 người, bị thương 99 người; thiệt hại về tài sản khoảng 1.171,24 tỷ đồng. Xảy ra 16 vụ nổ, làm chết 6 người, bị thương 15 người, thiệt hại về tài sản 388 triệu đồng.

o_gfxu.jpg
Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông (Hà Nội) xảy ra vào tối 29/8.

Công tác cứu nạn, cứu hộ: Lực lượng Cảnh sát PCCC trực tiếp tham gia CNCH 2.380 vụ tai nạn, sự cố; tìm kiếm, cứu nạn được 413 nạn nhân và 214 thi thể, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

So sánh với cùng kỳ năm 2018:Số vụ cháy tăng 414 vụ, tương đương 15,7% (3.059/2.645 vụ), số người chết tăng 05 người, tương đương 7,1% (75/70 người), bị thương giảm 51 người, tương đương 34% (99/150 người); thiệt hại về tài sản giảm 338,198 tỷ đồng, tương đương 22,4% (1.171,24/1.509,4 tỷ đồng).Số vụ nổ giảm 5 vụ, tương đương 23,8% (16/21 vụ); số người chết tăng 01 người, tương đương 20% (6/5 người); bị thương giảm 13 người, tương đương 46,43% (15/28 người); tài sản giảm 336 triệu đồng, tương đương 100% (0/336).

Tình hình cháy diễn biến rất phức tạp, nhất là tình hình cháy rừng tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong quý III/2019, cháy lớn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Điển hình là vụ cháy tại khu nhà xưởng trong ngách 56 ngõ 1 phố Đại Linh, Trung Văn, Hà Nội ngày 12/4/2019 làm 08 người chết; vụ cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ngày 28/8/2019 số 87-89 Hạ Đình, Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, ước tính thiệt hại trên 150 tỷ đồng…

Chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình hình cháy diễn biến phức tạp trong thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ, Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết, một số nơi người đứng đầu chưa nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác PCCC, chưa quan tâm đầu tư phương tiện, tổ chức hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ, Đại tá Nguyễn Minh Khương.

Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đầu tư và thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC dẫn đến việc quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác PCCC và CNCH chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; mạng lưới đội chữa cháy chưa bảo đảm theo quy định, bán kính hoạt động quá rộng làm hạn chế hiệu quả công tác cứu chữa và CNCH.

Cán bộ quản lý cơ sở chưa làm hết trách nhiệm, còn nể nang trong việc xử lý vi phạm về PCCC. Ý thức, trách nhiệm cũng như kiến thức PCCC của người dân, người lao động chưa cao, còn nhiều bất cập chưa tự tìm hiểu, học tập kiến thức PCCC và kiến thức xử lý, thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra; còn vi phạm quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.. như san, nạp gas trái phép, tàng trữ chất cháy, nổ, tổ chức kinh doanh sai quy định cho phép;

Nhiều đơn vị, cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC như không có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, trong khi theo quy định phải có; nguồn nước phục vụ chữa cháy thiếu; lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động kém hiệu quả, khi xảy ra cháy lúng túng không biết cách xử lý; chữa cháy không được, để cháy lan, cháy lớn mới báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC, dẫn đến khó khăn cho công tác chữa cháy; trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, cơ sở đối với công tác PCCC chưa cao.

Xử lý nghiêm những cơ sởvi phạm kéo dài

TheoĐại tá Nguyễn Minh Khương,Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, đối với các cơ sở có nhiều vi phạm quy định về PCCC nếu không được ngăn chặn kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ và có thể gây hậu quả nghiêm trọng; các cơ sở vi phạm quy định về PCCC trong thời gian dài đã được cơ quan Cảnh sát PCCC yêu cầu khắc phục mà không khắc phục hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về PCCC mà vẫn tiếp tục vi phạm thì tiến hành quyết định tạm đình chỉ.

Trước khi xảy ra cháy, Công ty Rạng Đông từng bị Công an Hà Nội "bêu tên" vì chưa đảm bảo an toàn về PCCC.

Người đứng đầu cơ sở, cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, người điều khiển hoặc chủ phương tiện giao thông cơ giới và cá nhân khi nhận được quyết định tạm đình chỉ phải chấp hành ngay và có trách nhiệm loại trừ nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc khắc phục vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong thời gian ngắn nhất.

Khi hết thời hạn tạm đình chỉ mà cơ sở không khắc phục hoặc không thể khắc phục được và có  nguy cơ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng thì bị đình chỉ hoạt động.

“Chúng tôi sẽ kiểm tra thường xuyên, liên tục các kho xưởng trong khu dân cư, nếu có vi phạm thì kiên quyết nêu tên những cơ sở lên phương tiện thông tin đại chúng. Còn những cơ sở đã vi phạm, chây ì không khắc phụ mà để tồn tại lâu, thuộc diện di dời thì dựa vào những quy định đã có xiết chặt buộc tạm dừng hoặc di dời ra khu vực đảm bảo an toàn”, ông Khương nhấn mạnh.

Đại tá Nguyễn Minh Khương nêu ra quan điểm cần phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, trong công tác phòng cháy chữa cháy nhất là trong việc xử lý các vi phạm về an toàn PCCC&CNCH.

Video vụ cháy rất lớn tại Công ty Rạng Đông.

“Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi trách nhiệm của mình. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức do thiếu trách nhiệm trong tổ chức, quản lý, kiểm tra việc thực hiện hoạt động phòng cháy và chữa cháy mà để xảy ra cháy thì tuỳ theo tính chất, mức độ thiệt hại mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, Đại tá Nguyễn Minh Khương cho hay./.