Sau một tháng thực hiện cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giảm cả 3 tiêu chí, góp phần thay đổi thói quen của người dân Thủ đô khi tham gia giao thông “Đã uống rượu bia-không lái xe”.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, vẫn tiếp tục duy trì việc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, tập trung xử lý đối tượng vi phạm về nồng độ cồn điều khiển phương tiện gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông.

vov_nong_do_con_njzf.jpg
Cảnh sát giao thông Hà Nội thực hiện kiểm tra nồng độ cồn theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội tại Ngã tư Tố Hữu-Vũ Trọng Khánh, quận Hà Đông thực hiện kiểm tra nồng độ cồn theo Nghị định 100, nhiều người dân khi bị dừng xe kiểm tra tỏ ra khá lo lắng nhưng không phải vì sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông mà lo ngại về việc thổi ống đo nồng độ cồn có thể gây lây nhiễm bệnh viêm phổi cấp do virus norona.

Tuy nhiên, sau khi được các chiến sỹ Cảnh sát giao thông cho xem ống thổi và hướng dẫn cách thổi thì người dân đã hoàn toàn yên tâm.

Ông Trịnh Xuân Mạnh ở Quận Hà Đông cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh corona, người dân khá là lo lắng, nhất là khi bị kiểm tra nồng độ cồn. Nhưng khi được kiểm tra, Cảnh sát giao thông đã hướng dẫn quy trình kiểm tra, tôi thấy cảnh sát giao thông đeo găng tay và đeo khẩu trang, các ống thổi mới, còn niêm phong, làm đúng quy chuẩn phòng dịch của Bộ Y tế, tôi rất yên tâm”.

Thực hiện công điện của Cục Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội đã quán triệt đến toàn bộ cán bộ, chiến sỹ khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và cán bộ thi hành công vụ. Trong đó, bảo đảm vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo trên nguyên tắc mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần và sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý.

Thượng úy Đỗ Mạnh Cường, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát giao thông, Hà Nội cho biết, trước khi tiến hành dừng xe, tổ công tác đã tiến hành vệ sinh máy kiểm tra nồng độ cồn, đồng thời đeo khẩu trang, găng tay phòng chống dịch cúm corona:  “Trong quá trình kiểm tra có một vài trường hợp khi được kiểm tra nồng độ cồn sợ lây truyền chéo dịch cúm sang nhau. Tuy nhiên, sau khi được chúng tôi hướng dẫn người dân đã hoàn toàn tin tưởng và rất ủng hộ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công an về quy trình kiểm tra nồng độ cồn để đảm bảo an toàn cho người dân. Mỗi người dân khi vào kiểm tra sẽ được dùng ống thổi mới, nên người dân yên tâm sẽ không có chuyện lây lan dịch cúm”.

Sau 1 tháng thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã xử lý hơn 500 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ hơn 500 phương tiện, qua đó đã nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Góp phần làm tình hình vi phạm giao thông giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí.

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội cho biết, tiếp tục tăng cường thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn nhằm góp phần kéo giảm tai nạn giao thông: “Quan điểm của Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội, tất cả các hành vi trong Nghị định 100 cũng như Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và những chuyên đề của chúng tôi vẫn tiếp tục xử lý. Tuy nhiên không giống tháng cao điểm, thì đối với lực lượng tuần tra kiểm soát thực hiện chuyên đề xử lý theo rượu bia thì chúng tôi sẽ xử lý cả với những hành vi vi phạm khác. Đặc biệt trong tuần tra kiểm soát khi quan sát bằng mắt thường thấy người điều khiển phương tiện có dấu hiệu lạ thường khi điều khiển phương tiện thì chúng tôi sẽ dừng xe và kiểm tra nồng độ cồn, phát hiện vi phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm ”.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã gửi văn bản phúc đáp đồng ý lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục kiểm tra, xử lý nồng độ cồn người điều khiển phương tiện nhưng phải dùng riêng ống thổi cho từng người, sát khuẩn thiết bị đo. Theo đó, Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ cần áp dụng các biện pháp bảo hộ cá nhân và tuân thủ theo hướng dẫn khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm an toàn, giảm đến mức thấp nhất nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng Cảnh sát giao thông trong thực hiện Nghị định 100 về xử lý vi phạm nồng độ cồn, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục được kéo giảm./.