Nước từ khe Bung ô nhiễm khiến những phiến đá tại suối Li Leng đều nhuộm một lớp đất bùn trơn nhầy nhụa. |
"Nước ở đây bẩn không dùng được, người dân phải hứng nước mưa làm nước sạch để dùng tạm. Nước sông lúc nào cũng đục như thế, người dân ở đây rất khốn khổ", bà Hóa nói.
Dòng nước ở con suối Li Leng bị nhuộm đỏ chảy về hòa vào sông Đakrông làm đục ngầu con sông này. Nhiều hộ dân sống ven sông thường xuyên uống và tắm giặt từ nước sông nay càng khốn khổ. Nhiều hộ phải mua thùng chứa, rồi hứng nước mưa uống. Nhiều người đành chấp nhận sử dụng nước suối, nước sông bị ô nhiễm vì không còn cách nào khác.
Ông Lê Đắc Quỳ, Chủ tịch UBND huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, sông Đakrông chảy qua 11 xã, thị trấn của huyện, và hầu hết người dân sử dụng nguồn nước này cho sinh hoạt. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân ở các địa phương đều bức xúc, phản ánh.
Đầu nguồn sông Đakrông bị ô nhiễm nặng do khai thác vàng trái phép. |
Theo ông Lê Đắc Quỳ, nguyên nhân gây ô nhiễm nằm ngoài địa bàn của huyện nên khó giải quyết được, huyện đã kiến nghị lên cấp trên xem xét.
"Sông Đakrông hiện tại tình trạng nước bị đục, người dân dùng nước sông để sinh hoạt, giờ không có nước để sử dụng. Một số hộ có nguồn nước tự chảy, một số có giếng khoan nhưng một số khác không có nguồn nước sạch nên đành sử dụng nguồn nước sông Đakrông này. Huyện Đakrông hiện tại không có 1 hoạt động khai thác khoáng sản nào. Huyện đã đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội, các cấp của tỉnh có tiếng nói với tỉnh Thừa Thiên Huế để họ sớm khắc phục tình trạng này", ông Quỳ đề đạt.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã lấy mẫu nước ở khe Li Leng xét nghiệm. Kết quả thông số tổng chất rắn lơ lửng vượt giới hạn về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt gấp 28 lần. Sau đó, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế lấy 2 mẫu nước ở khe Li Leng và sông Đakrông và 1 mẫu trầm tích tại khe Li Leng để phân tích. Mẫu trầm tích có thông số Asen vượt 1,72 lần so với quy chuẩn; mẫu nước mặt khe Li Leng có tổng chất rắn lơ lửng vượt hơn 46 lần, sắt vượt hơn 12 lần so với quy chuẩn.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị kiểm tra, ngăn chặn nguồn thải để bảo vệ nguồn nước sông: "UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản chỉ đạo huyện A Lưới, Sở Tài nguyên Môi trường, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra, xử lý vi phạm, ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép tại xã Hồng Thủy và báo cáo cho UBND tỉnh. Kết quả và nguyên nhân đã thấy rất rõ, tuy nhiên để giải quyết vấn đề triệt để cần có sự vào cuộc của các ban ngành, địa phương tại khu vực đó. Phải kiểm tra, theo dõi các hoạt động của các loại hình sản xuất khác có thể gây ô nhiễm môi trường, làm đục nguồn nước".
Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Trị thông báo về việc kiểm tra các hoạt động khai thác tài nguyên gây ô nhiễm môi trường tại khu vực đầu nguồn xã Hồng Thủy, huyện A Lưới. Nguyên nhân ban đầu được xác định do một số người dân địa phương đã khai thác khoáng sản vàng trái phép bằng hình thức thủ công làm đục nguồn nước đầu nguồn. Tỉnh Quảng Trị đã để nghị tỉnh Thừa Thiên Huế giám sát tình hình khai thác tài nguyên gây ô nhiễm khu vực đầu nguồn xã Hồng Thủy. Tuy nhiên đến nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở suối Li Leng và sông Đakrông vẫn không thuyên giảm./.
Hình thành “đế chế” khai thác vàng lớn nhất hành tinh
Phát hiện điểm khai thác vàng trái phép trong nhà người dân ở Lâm Đồng
Vỡ đập chứa nước thải nhà máy khai thác vàng ở Quảng Nam