Những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác hỗ trợ di dời dân ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở nên địa phương này đã giúp cho hơn 1.000 hộ dân có được chổ ở mới ổn định, an toàn, không còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo âu bên những bờ sông có nguy cơ sạt lở.

Ông Nguyễn Ngọc Bá, giáo viên Trường tiểu học Ngô Hữu Hạnh 5 ở ấp Đông Phú A, xã Đông Phước, huyện Châu Thành cho biết: Hơn 30 năm qua gia đình ông cất nhà ở tạm bên bờ sông đối diện với ngôi trường mà ông theo dạy. Mỗi năm khi mùa lũ đến thì cả nhà ông lại nơm nớp lo sợ sạt lở cuốn trôi cả gia đình xuống sông. Với số tiền được hỗ trợ di dời khỏi nơi sạt lở là 20 triệu đồng, cùng với số tiền chắt chiu, dành dụm bấy lâu gia đình ông đã chuyển về cất ngôi nhà mới khang trang trên phần đất ba má vợ vừa cho ở ấp Đông Lợi.

Ông Nguyễn Ngọc Bá tâm sự: “Nhà tôi nằm gần 1/3 lòng sông cho nên những khi giông gió hoặc nước lũ tràn, rồi ngập nên rất khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt. có khi những chiếc đò, tàu lớn nó chạy qua nó tấp vô, có khi bà ở nhà một mình cũng sợ. Cho nên được sự vận động của Nhà nước vợ chồng tôi chấp nhận ngay để di dời. Giờ cất được ngôi nhà không còn phải lo gì, chỉ tập trung dồn sức hco công việc dạy học để giúp phục vụ cho các em”.
sat_lo_1_qljv.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Bá ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang nhận tiền hỗ trợ di dời.

Nằm cặp sông Hậu, hàng năm huyện Châu Thành là địa phương có số vụ sạt lở đất bờ sông cao nhất tỉnh Hậu Giang với gần 20 điểm/năm. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã xảy ra hơn 40 điểm sạt lở, tăng 25 điểm so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Trần Quang Hành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: “Qua thống kê toàn huyện có hơn 700 hộ sống ven sông tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao. Những năm gần đây, nhờ tập trung làm tốt công tác hỗ trợ người dân di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, chủ yếu là đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ, những thiệt hại,  nguy hiểm do sạt lở gây ra nên địa phương đã di dời được rất nhiều hộ đến nơi ở mới an toàn, hạn chế được rất nhiều những thiệt hại về tài sản cũng như tính mạng của người dân mỗi khi có sạt lở xảy ra”.

Ông Trần Quang Hành cho biết thêm: “Trong thời gian qua, việc tuyên truyền cũng gặp rất nhiều khó khăn do bà con ở ven sông phát triển được kinh tế, mua bán để sinh sống, cho nên bà con không chịu di dời và một phần cũng do bà con chủ quan. Tuy nhiên trong những năm gần đây mỗi năm với kinh phí mà cấp trên hỗ trợ đối với huyện cũng đã hổ trợ di dời mỗi năm cũng khoảng 30 hộ được di dời khỏi vùng sạt lở”.

Theo ông Huỳnh Thành Hữu - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang: Thực hiện Quyết định số 1776 Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ di dời dân ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở, kết hợp với các chủ trương, chính sách khác, trong 5 năm qua, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện di dời được hơn 1.000 hộ  ở ven sông có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới an toàn, ổn định với số tiền hỗ trợ hơn 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chi cục cũng phối hợp với các ngành hữu quan triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại một số điểm, cụ thể như tại điểm sạt lở ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp vào đầu tháng 7 vừa qua, làm 3 căn nhà dân đổ sụp xuống sông và 26 căn nhà khác rạn nứt, có nguy cơ sụp đổ.

Cũng theo ông Huỳnh Thành Hữu, toàn tỉnh Hậu Giang hiện có hơn 110 điểm có nguy cơ sạt lở với số hộ dân cần phải di dời gần 10.000 hộ. Thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh sẽ phối hợp với các ngành hữu quan tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để hỗ trợ cho bà con ở những điểm ven sông có nguy cơ sạt lở cao di dời. Riêng từ nay đến cuối năm sẽ hỗ trợ di dời 100 hộ với định mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/hộ./.