Hiện có khoảng 1000 người Cơ Tu của các huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang, tỉnh Quảng Nam bị kẹt lại ở thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận do dịch bệnh Covid-19. Những ngày này, một số hội, đoàn thể và các bạn trẻ ở các huyện miền núi đứng ra vận động ủng hộ giúp đỡ những học sinh, sinh viên và người lao động đang học tập và lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vượt qua khó khăn trước mắt.
Những năm gần đây, nhiều thanh niên Cơ Tu ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã rời vùng quê nghèo khó xuống phố tìm việc làm. Anh Alăng Ưu ở xã Ma Cooih rời huyện miền núi Đông Giang làm bảo vệ cho một công trình ở Khu đô thị cao cấp Nồi Rang xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã 2 năm nay.
Anh Ưu chia sẻ, lương mỗi tháng của anh là 4,5 triệu đồng, so với ở trên quê đó là một khoản tiền kha khá. Thế nhưng, khoản tiền này chỉ đủ anh chi phí ăn, ở và nhiều khoản chi cần thiết khác, chắt chiu lắm mỗi tháng cũng chỉ tiết kiệm được vài trăm ngàn đồng. Gần 1 tuần nay, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện trở lại, anh cùng 5 người bạn Cơ Tu khác chưa kịp trở về quê, việc ăn ở, sinh hoạt bị đảo lộn, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi từ quê xuống đây thuê trọ, hàng ngày bảo vệ công trình. Nay dịch bệnh bùng phát, quán xá đóng cửa hết, chúng tôi chỉ biết ăn mì tôm. Hiện tại chúng tôi gặp khó khăn nhất về lương thực, thực phẩm. Buổi trưa toàn nhịn đói bởi ở lại trực, mà quán cơm thì không có ai bán hết”, anh Alăng Ưu cho biết.
Từ xã Dang huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, anh Bhnướch Bôn, 26 tuổi, xuống Đà Nẵng lập nghiệp. Loay hoay mãi anh tìm được một chân phụ hồ. Với mức tiền công 300 ngàn đồng mỗi ngày, sau khi ăn uống, trả tiền nhà trọ, anh cũng dành dụm được chút ít. Thế nhưng, nửa năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid, công việc thất thường và 1 tuần nay, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các công trình xây dựng tạm dừng hoạt động, anh không còn việc làm, đồng nghĩa cũng chẳng có thu nhập gì. Anh Bôn tâm sự, phải ở lại thành phố mà trong người không có tiền nên rất lo. Cũng may, mấy ngày nay, nhờ mọi người giúp đỡ, anh cùng mấy người bạn trọ an tâm hơn.
Anh Bhnướch Bôn cho biết: “Chúng tôi từ vùng quê nghèo khó xuống đây tìm việc làm. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay thêm dịch bệnh lại càng khó khăn hơn. Bình thường có việc làm có tiền tiêu. Giờ công trình dừng, ở nhà giãn cách xã hội, chúng tôi không có tiền ăn. Các nhóm thiện nguyện đã hỗ trợ kịp thời cho chúng tôi từ thùng mì tôm, bao gạo đến nước uống, mắm, dầu ăn... Cảm ơn những người bạn ở phố thị, cảm ơn nhóm thiện nguyện giàu lòng nhân ái đã kịp thời quan tâm giúp đỡ chúng tôi”.
Theo ông Briu Quân, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, địa phương này hiện có hơn 650 lao động người Cơ Tu đi làm công nhân, lao động tự do tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận như: Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế…Trước khi thực hiện giãn cách xã hội, khoảng 200 người đã kịp trở về gia đình.
Số còn lại còn kẹt lại các địa phương, chủ là là thành phố Đà Nẵng. Họ đang sống trong các khu nhà trọ điều kiện hết sức khó khăn. Ông Briu Quân cho biết, mấy hôm nay, nhiều nhóm thiện nguyện đã đứng ra kêu gọi, vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ đồng bào các huyện miền núi còn bị kẹt lại thành phố, vượt qua khó khăn trong thời điểm này.
Những món quà thiết thực, ý nghĩa kịp trao đến tay đồng bào Cơ Tu xa quê lúc này không chỉ giúp họ vượt qua ngặt nghèo mà còn tiếp thêm niềm tin cho họ trong cuộc sống hôm nay. Mọi người càng thấm thía “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”./.