Thành phố đã quy hoạch 88 điểm đỗ xe với diện tích trên 150 ha, tuy nhiên đến nay mới hoàn thành được 20 dự án. |
Các phương tiện giao thông nhích từng mét trên phố Lý Thường Kiệt. Trên nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội, các công ty khai thác điểm đỗ xe chuyển từ đỗ dọc dưới lòng đường sang đỗ chéo để tăng lượng xe đỗ, điều này khiến diện tích lòng đường bị thu hẹp. |
Giữa năm 2015, Hà Nội cho phép tiếp tục tổ chức các điểm đỗ, trông giữ ôtô tại 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo và triển khai việc tổ chức bố trí một số điểm đỗ, trông giữ ôtô tại lòng đường các tuyến phố có mặt cắt lớn, lưu lượng phương tiện không cao là Xã Đàn (Đống Đa), Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng), Trung Hòa (Cầu Giấy). |
Các điểm đỗ xe được kẻ vạch phân giới. Về lâu dài, thành phố sẽ quy hoạch lại các điểm đỗ xe tĩnh và xây dựng các điểm đỗ xe cao tầng, hạ ngầm trên địa bàn. |
Phố Ngô Thì Nhậm, biển cấm đỗ xe của phường Hàng Bài đặt trên vỉa hè nhưng nhiều chủ xe vẫn bất chấp. |
Một hộ kinh doanh trên phố Ngô Văn Sở tự đặt biển cấm đỗ xe trước cửa nhà. |
Để giảm ùn tắc, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giao thông nghiên cứu, xây dựng phương án cho phép đỗ xe một bên đường thay vì đỗ hai bên như lâu nay. Cụ thể, sẽ nghiên cứu thí điểm đỗ xe ôtô theo hướng ngày chẵn đỗ bên lề đường có số nhà chẵn, ngày lẻ đỗ bên lẻ. Tuyến phố đầu tiên thí điểm là Dã Tượng. |
Một số tuyến phố chật hẹp như Trần Quốc Toản, Nguyễn Gia Thiều,... cũng sẽ được nghiên cứu áp dụng quy định ngày chẵn đỗ xe ôtô bên lề đường có số nhà chẵn, ngày lẻ đỗ bên lẻ. |
Bãi để xe tự động trên đường Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng). Đến nay, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã đưa nhiều bãi trông xe cao tầng tự động vào khai thác. |
Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thủ đô sẽ có 5 địa điểm xây dựng bãi đỗ xe ngầm, gồm: Quảng trường tháng 8; các công viên Thống Nhất, Thủ Lệ và Thanh Nhàn; cung thể thao Quần Ngựa. Vừa qua Hà Nội đã thuê đối tác Nhật thiết kế, quy hoạch không gian ngầm tại 5 bãi đỗ trên. |