Hiện Hà Nội có một công ty vận chuyển bưu phẩm công ích đó là Bưu điện Hà Nội và gần 200 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển bưu phẩm, chuyển phát nhanh. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Sở GTVT Hà Nội cấp giấy phép cho các xe này được đi vào các tuyến phố hạn chế. Vậy việc cấp phép, quản lý đối với loại phương tiện này được thực hiện như thế nào?

Do mật độ phương tiện lưu thông tăng cao, Hà Nội đặt ra quy định hạn chế xe ô tô vận tải tại khu vực nội đô vào giờ cao điểm, cấm toàn bộ xe tải trọng lớn hoạt động vào ban ngày. Theo Quyết định số 06, năm 2013, UBND thành phố Hà Nội, xe chở bưu phẩm, bưu kiện, báo chí và một số loại xe chuyên dụng khác, có tải trọng dưới 1,25 tấn, sẽ được hoạt động cả ngày lẫn đêm trên các tuyến phố hạn chế phương tiện. Vì vậy, xe tải vận chuyển hàng hóa loại 1,25 tấn trong giờ cao điểm hiện nay chỉ còn chủ yếu các xe có gắn biển “Xe thư báo”.

vov_xe_bao_svrd.jpg
Xe có in " Xe thư báo" nhan nhản khắp Hà Nội.

Trên mạng xã hội có hàng trăm đơn vị đăng ký dịch vụ vận chuyển bưu phẩm, chuyển phát nhanh, theo đó cũng sẽ có hàng nghìn xe gắn mác “Xe thư báo”. Chỉ cần một cuộc điện thoại, khách hàng sẽ được phục vụ tận tình chu đáo, bất cứ thời điểm nào, kể cả vào giờ cao điểm. Chỉ cần một cuộc gọi sẽ được trả lời như sau: “Chuyển ngay hai, ba tạ thì giá chuyển phát sẽ hơi cao đấy. Em đang báo lại giá hàng, một xe 1,25 tấn phục vụ có ngay Ok anh nhé”.

Dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu những chiếc xe tải gắn mác “Xe thư báo” này có đúng là các xe chở bưu phẩm và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật?

Xe đi cả vào giờ cao điểm.

Theo quy định của pháp luật, mọi doanh nghiệp có chức năng vận chuyển bưu phẩm, chuyển phát nhanh đều có thể đăng ký, xin cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa vào các tuyến phố hạn chế, theo Quyết định 3971, năm 2017, UBND thành phố Hà Nội. Thủ tục cấp phép khá đơn giản, chỉ cần đơn đề nghị theo mẫu, hợp đồng vận chuyển hàng (chỉ cần photo công chứng), giấy kiểm định an toàn kỹ thuật, nộp hồ sơ vào bộ phận một cửa, sau 3 ngày được cấp phép. Từ việc thủ tục cấp phép đơn giản nên khoảng 200 đơn vị kinh doanh vận chuyển bưu phẩm, chuyển phát nhanh ở Hà Nội dễ dàng xin được giấy phép cho phương tiện của mình vào phố hạn chế.

Ông Trịnh Quang Chiến, Chánh Văn phòng Bưu điện Hà Nội cho biết 180 xe của Bưu điện Hà Nội đều phải sơn, tem đồng màu theo quy chuẩn, đơn vị không dùng xe tải loại khác hoạt động: “Họ là doanh nghiệp chuyển phát, xe cũng đề chữ “Xe thư báo”. Biển “Xe thư báo” chỉ phân biệt chở thư báo, thực ra đã đăng ký rồi, xét về luật họ không sai. Ngoài việc chở bưu điện, công văn, thì chúng tôi cũng ký hợp đồng chở các loại hàng hóa khác bằng xe của Bưu điện Việt Nam”.   

Chỉ trong hai tuần cuối tháng 8, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 85 xe ô tô dán mác “Xe thư báo”, lập biên bản xử lý đối với 30 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 20 triệu đồng. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra giao thông chỉ lập được lỗi dừng, đỗ sai quy định, hoặc lỗi điều khiển xe không mang theo giấy phép kinh doanh vận tải, còn việc giấy phép này được cấp đúng hay sai vẫn đang chờ kết luận thanh tra.

Thực hiện thủ tục cấp phép lưu hành xe vào phố hạn chế, “Xe thư báo” là trách nhiệm của Phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội. Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Tuấn Đức, Trưởng Phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông cho biết Sở GTVT đang thanh tra việc cấp phép xe vào phố hạn chế của các doanh nghiệp làm dịch vụ vận chuyển bưu phẩm, chuyển phát nhanh. Khi cấp phép, đơn vị đều tuân thủ theo quy định của thành phố Hà Nội.

“Theo quy định thành phố thì mọi thủ tục rất đơn giản, mẫu được niêm yết ở cổng, cấp phép theo Quy định 3971, UBND thành phố Hà Nội. Bất cứ doanh nghiệp nào, khi gửi vào một cửa hồ sơ, giấy tờ đầy đủ thì Sở cấp”, ông Đức cho biết. 

Thực hiện nghiêm các quy định của thành phố, nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, UBND thành phố Hà Nội  sớm bổ sung các quy định bắt buộc trong việc cấp giấy phép cho xe vào phố đối với các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực thư báo, chuyển phát nhanh.

Trong lúc chờ quy định mới bổ sung cần sự công tâm của cán bộ thực thi công vụ khi thẩm định, cấp phép cho xe vào phố, nếu không sẽ dẫn đến việc“ lách luật” trong hoạt động vận tải gắn mác “Xe thư báo”./.