Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, địa phương xuất hiện ổ dịch mới nhất là huyện Đan Phượng. Như vậy, đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan tại 13 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, làm mắc bệnh, tiêu hủy trên 4.600 con lợn. Các huyện như Sóc Sơn, Quốc Oai ngoài các ổ dịch cũ cũng xuất hiện thêm ổ dịch mới tại xã Phù Linh, Tuyết Nghĩa.
Dịch tả lợn ra rộng trên 13 quận huyện thuộc TP Hà Nội. (Ảnh: KT) |
Một trong những khó khăn hiện nay trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ việc vệ sinh phòng bệnh không đảm bảo, không thường xuyên khử trùng tiêu độc, sử dụng nước ao hồ, và đặc biệt là không quản lý được người, phương tiện ra vào. Tại huyện Sóc Sơn, nơi có tổng đàn lợn lớn, với khoảng 120 nghìn con, một số vướng mắc, khó khăn cũng đã làm giảm hiệu quả công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Ông Phạm Xuân Phương, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn nêu ý kiến: "Việc đấu thầu để mua vaccine cũng như hóa chất để phun, nếu như theo đấu thầu thì phải qua các quy trình, có khi phải qua 30-40 ngày mới xong được thủ tục. Điều đó cho thấy, quan trọng là cơ chế để chúng tôi tập trung mua, phun nhanh thì mới có thể dập tắt được dịch".
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngành nông Hà Nội đang tiếp tục phối hợp chính quyền các địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn phòng, chống. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán bệnh để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các phương án khoanh vùng, tổ chức ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi.
Phát biểu trong một cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đàn lợn khoảng 2 triệu con trên địa bàn.
"Nếu tiếp tục để lan rộng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất chăn nuôi của thành phố. Bởi sản xuất chăn nuôi chiếm đến 25% trong phát triển nông nghiệp thành phố, nên tôi đề nghị phải tập trung ráo riết", ông Chung nhấn mạnh.
Nhằm giúp các hộ chăn nuôi giảm thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi, thành phố Hà Nội quyết định hỗ trợ 80% giá thị trường nhưng không quá 38.000 đồng/kg đối với lợn thương phẩm phải tiêu hủy; hỗ trợ bằng 1,8 lần so với giá thị trường của lợn thương phẩm đối với lợn nái, lợn đực giống phải tiêu hủy./.