Năm 2007, Chính phủ giao cho Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng triển khai dự án xây dựng đường Trường Sơn Đông với chiều dài khoảng 700 km và tổng số vốn hơn 10.000 tỷ đồng. Con đường này nối 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc đến Lâm Đồng.
Có thể nói, đây là con đường huyết mạch, có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế-xã hội của đồng bào các dân tộc sống trên dải Trường Sơn Đông. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đường Trường Sơn Đông đoạn qua các huyện phía Đông và Đông Nam của tỉnh Gia Lai vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến lưu thông và đời sống của người dân...
Những điểm hư hỏng chuẩn bị được vá. |
Bê tông nhựa bị bong tróc đến vài chục mét, liên tục xuất hiện những ổ gà, những vệt sụt lún do đơn vị thi công moi lên để chuẩn bị sửa chữa, khắc phục hư hỏng. Khó có thể hình dung, đó là thực trạng của đường Trường Sơn Đông được đầu tư bài bản với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng.
Những hư hỏng nghiêm trọng này diễn ra tại Km320 đến Km392, đoạn qua các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai.
Anh Phạm Xuân Bắc, ở thôn 3, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, hàng ngày đi trên đường Trường Sơn Đông, nói: “Con đường này hồi mới làm xong thì rất là tốt. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn thôi. Người dân đi vào tầm chiều tối là mấy hầm cắt, hầm hố này gây tai nạn rất nhiều. Chúng tôi chỉ mong đã làm được con đường thì phải làm thật tốt, người dân đi lại, phương tiện giao thông đỡ bị gây tai nạn. Những trường hợp gây tai nạn là rất nghiêm trọng”.
Khó hình dung đây là thực trạng con đường nghìn tỷ. |
Ông Hoàng Văn Tư, Chánh Văn phòng UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai cho biết, đường Trường Sơn Đông đi qua địa bàn hoàn thành trong nhiều giai đoạn với các gói thầu khác nhau. Những hư hỏng, xuống cấp xuất hiện ngay từ khi các gói thầu mới hoàn thành được đưa vào sử dụng. Chính quyền địa phương đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền cũng như Ban quản lý dự án. Đơn vị thi công cũng đã sửa chữa đi, sửa chữa lại nhưng đâu vẫn hoàn đó, đường vẫn hỏng. Việc khắc phục kiểu đào bới, vá đường chỉ như “giật gấu vá vai”, làm nham nhở cả tuyến đường.
Ông Hoàng Văn Tư nói: “Đường Trường Sơn Đông được nhà nước đầu tư qua địa bàn thì hoàn thành trong nhiều giai đoạn trong năm 2013-2014. Đồng thời trong khoảng thời gian đó thì nó dần dần hư hỏng. UBND huyện đã nhiều lần phản ánh lên Sở GT-VT cũng như Ban quản lý dự án 46. Nhưng quá trình sửa chữa không rõ sao cứ sửa rồi lại hư hỏng. Kiến nghị các cấp sửa chữa triệt để con đường này, chứ sửa chữa như vừa qua có lẽ sẽ hư hỏng tiếp, đồng thời sẽ làm con đường nham nhở, không ra con đường mới nữa”.
Sửa đường kiểu giật gấu vá vai. |
Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn gửi Bộ Quốc phòng phản ánh thực trạng đường Trường Sơn Đông hư hỏng, xuống cấp. Qua đó, tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm tình trạng này.
Về phía Ban quản lý dự án 46 (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) cũng đã thừa nhận, trách nhiệm chính là của Ban quản lí dự án, đơn vị tư vấn thiết kế, khảo sát, kỹ thuật và nhà thầu thi công. Nguyên nhân được Ban quản lý dự án xác định là do địa chất phức tạp, quá trình khảo sát thiết kế chưa lường hết việc nền đường quá yếu. Đồng thời, quá trình thi công không đúng kỹ thuật, chưa kiểm soát hết chất lượng công trình theo tiêu chuẩn thiết kế.
Chủ đầu tư là Bộ Tổng tham mưu- Bộ Quốc phòng đã tiến hành loại đơn vị tư vấn Cu Ba, loại đơn vị thi công là Công ty Cổ phần 482 (thuộc Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 – Bộ Giao thông vận tải) khỏi dự án. Một đơn vị khác là Công ty Cổ phần Đông Hưng Gia Lai được thuê thi công sửa chữa, khắc phục lại công trình. Toàn bộ chi phí khắc phục, sửa chữa do Công ty Cổ phần 482 chi trả cho Công ty Đông Hưng Gia Lai.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Hạnh, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai cho rằng, việc khắc phục, sửa chữa hư hỏng mà Công ty Cổ phần Đông Hưng Gia Lai đang thực hiện cũng khó có hiệu quả lâu dài. Cách làm này đã được đơn vị thi công trước đó áp dụng nhưng không hiệu quả, đường vẫn hư hỏng trở lại. Về nguyên nhân, ông Lê Văn Hạnh phân tích: “Một trong những nguyên nhân là trong quá trình khảo sát thiết kế các cơ quan liên quan chưa đánh giá được mức độ phức tạp của tình hình địa chất ở đây.
Cho nên đã đưa ra giải pháp kết cấu mặt chưa hợp lý. Không xử lý sâu được phần nền móng thì có thể sử dụng kết cấu mặt bê tông xi măng sẽ ổn định hơn.
Chúng tôi cũng đề nghị Ban quản lý dự án 46 nghiên cứu kỹ từng đoạn tuyến về tình hình địa chất, thủy văn để đưa ra giải pháp xử lý triệt để, lâu dài, để công trình sử dụng được bền vững”.
Trong một diễn biến mới nhất, Ban quản lý dự án cho biết, đơn vị đã thuê một đơn vị tư vấn của Bộ Giao thông vận tải lên khảo sát lại địa chất, đánh giá toàn bộ nền đường Trường Sơn Đông từ Km320 đến Km392. Đồng thời, đơn vị đang kiến nghị với Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Gia Lai để hai đơn vị này kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cho phép thay đổi thiết kế, tăng thêm một lớp bê tông nhựa dày 5cm, nâng tổng chiều dày của mặt đường lên 12cm, giống với tiêu chuẩn mới được áp dụng trong thi công đường Hồ Chí Minh.
Đường Trường Sơn Đông. |
Chưa rõ kiến nghị này có được chấp thuận hay không. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, toàn tuyến đường Trường Sơn Đông với khoảng 700 km áp dụng hai kiểu thi công là thảm bê tông nhựa và thảm bê tông xi măng. Các tiêu chuẩn đều giống nhau nhưng chỉ riêng đoạn qua các huyện phía Đông Gia Lai xảy ra vấn đề nghiêm trọng. Nghị định 15 của Chính phủ về Quản lí chất lượng công trình và Nghị định 46 vừa mới ban hành tháng 5/2015 để thay thế Nghị định 15 cũng đã nói rõ, nhà thầu phải chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng kể cả sau khi hết hạn bảo hành công trình.
Con đường nghìn tỷ Trường Sơn Đông bị hư hỏng, xuống cấp đều đã xác định rõ sai phạm thế nào, ai sai phạm và ai phải chịu trách nhiệm. Vấn đề là việc khắc phục hậu quả có được thực hiện nghiêm túc?./.