Ngày 14/8, Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Tiền Giang cho biết, qua công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thu gom đến nay, chỉ còn 11 học viên chưa trở lại cơ sở cai nghiện ma túy.

vov_cai_nghien_1_xclp.jpg
Cổng vào các phân trại của cơ sở cai nghiện dù khá kiên cố nhưng vẫn chưa an toàn.

Đặc biệt, học viên Trương Kiến Hòa - đội trưởng của các học viên trong việc tổ chức cấp dưỡng của cơ sở được xác định là đối tượng “cầm đầu” vụ xô xát với cán bộ của cơ sở cai nghiện và lôi kéo học viên khác bỏ trốn đã tự nguyện trở lại cơ sở.
Riêng hơn 230 học viên sau khi bỏ trốn, trở vào trại đã ổn định tâm lý, yên tâm điều trị.
Trước đó, chiều 13/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có văn bản yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các ngành, cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định tình hình, làm rõ sự việc và xử lý nghiêm các vi phạm, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8.
Ông Phạm Minh Trí, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay, các ngành, đoàn thể tỉnh Tiền Giang tiếp tục tuyên truyền, vận động gia đình có học viên cai nghiện ma túy, tổ chức truy tìm và đưa họ trở lại cai nghiện.
Riêng cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang có hơn 650 học viên. Dù đã được đầu tư nâng cấp nhưng so với nhu cầu cần cai nghiện của các đối tượng nghiện ma túy trong cộng đồng thì cơ sở vật chất nơi đây chưa đáp ứng. Đây cũng là vấn đề khó trong quản lý học viên.

Quản lý học viên cai nghiện ma túy bằng camera.
Ông Phạm Minh Trí nói: “Cơ sở này mới được gia cố tương đối, nhưng so với số học viên ở bên ngoài xã hội và trong này vẫn quá tải. Tới đây, UBND tỉnh đã cho chủ trương mình tiếp tục mở rộng cơ sở này thêm khoảng 700-800 học viên nữa. Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp với Sở Kế hoạch-Đầu tư với các nhà tư vấn để thiết kế mở rộng cơ sở này”./.