Chiều nay (2/9), tại các tỉnh miền Trung, trời có mưa nhỏ. Đối phó áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão số 5, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền Trung đã ban hành công điện yêu cầu các ngành, địa phương chủ động phòng chống, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. 

vov_28_qyhf.jpg
Các tỉnh miền Trung cấm tàu thuyền ra biển

Bộ đội Biên phòng các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đã ra lệnh cấm biển vào sáng 2/9. Chiều nay, 1 ngư dân tỉnh Quảng Trị đi thuyền câu trên vùng cửa biển cách bờ kè Cửa Việt khoảng 500m thì gặp sóng to đánh ra ngoài khơi không thể vào bờ. Ngư dân này trong tình trạng kiệt sức, được Bộ đội Biên phòng Quảng Trị kịp thời cứu nạn, đưa vào bờ.

Sau bão số 4, tỉnh Quảng Trị tiếp tục ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão số 5.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương không cho tàu thuyền ra khơi, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng 4 xuồng máy, phối hợp với chính quyền địa phương và chủ tàu, thuyền trưởng hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền vào âu thuyền Phú Hải, Thuận An, neo đậu an toàn.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Tỉnh thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các địa phương, lực lượng biên phòng bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú an toàn để đối phó bão. Theo báo cáo của biên phòng toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã cơ bản vào bờ neo đậu an toàn. Hiện nay đã chỉ đạo các ngành chức năng địa phương có phương án neo đậu tàu thuyền tránh va trôi và tổ chức cấm biển".

Chiều nay (2/9) Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng tiếp tục ban hành Công điện chỉ đạo các ngành, địa phương ứng phó với áp thấp nhiệt đới có tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, có thể gây mưa lớn trên địa bàn. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và mưa, lũ, đảm bảo an toàn cho học sinh và cơ sở vật chất trường học; Sở Xây dựng, Sở Giao thông- Vận tải, UBND các quận, huyện chỉ đạo các Ban Quản lý dự án triển khai phương án phòng, chống mưa, bão cho công trình và có phương án xử lý ngập úng các công trình đang thi công dang dở.

Đến chiều nay (2/9), trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng vẫn còn 6 tàu cá với 42 lao động của tỉnh Bình Định hoạt động. Hiện nay, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cùng Bộ đội Biên phòng duy trì liên lạc và hướng dẫn các tàu cá di chuyển khỏi vùng nguy hiểm hoặc tìm nơi trú tránh an toàn.

Ông Hồ Đắc Chương, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết: "Hệ thống thông tin liên lạc của Văn phòng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ đội Biên phòng, rồi Chi cục Thủy sản, Đài Duyên hải Nam Trung bộ kiểm đếm tàu thuyền và đến bây giờ có 130 tàu cá nằm trong vùng nguy hiểm. Chúng tôi vẫn duy trì liên lạc với tàu cá này và thường xuyên thông tin với nhau và có biện pháp hỗ trợ cho họ khi cần thiết"./.