Dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay xuất hiện sớm và gia tăng bất thường trên địa bàn Thủ đô. Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc hiện nay tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây chỉ là số liệu thống kê bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện. Trên thực tế, số người bệnh chắc chắn còn cao gấp nhiều lần. Đến thời điểm này, Hà Nội đã có 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Thế nhưng, nhiều cơ quan chức năng và người dân vẫn chủ quan, lơ là với dịch bệnh sốt xuất huyết.

vov_sot_1_ssxz.jpg
Nhà ông Đặng Minh Thu số 33, tổ 41, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội- bệnh nhân sốt xuất huyết.

Ông Đặng Minh Thu, 51 tuổi, ở nhà số 33, tổ 41, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn cách đây nửa tháng và đã xuất viện được 1 tuần, nhưng đến nay vẫn không có nhân viên y tế nào đến nhà điều tra ổ dịch hoặc phun hóa chất diệt muỗi theo quy định.

Ông Đặng Minh Thu cho biết: “Từ khi tôi được xuất viện, đến nay, đã mấy ngày rồi mà chưa có cán bộ y tế nào đến hỏi han cả. Cũng không thấy đến phun thuốc diệt muỗi. Chỉ có tổ trưởng dân phố đến hỏi thăm, nhắc phải mắc màn khi ngủ...”.

Bà Nguyễn Thị Bình, Tổ trưởng tổ dân phố 41, phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, bà đã thông báo cho chính quyền phường về những trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết nhưng việc xử lý ổ dịch rất chậm trễ. Riêng trường hợp bệnh nhân Đặng Minh Thu ngay sát nhà, bà đã thông báo nhưng trạm y tế đòi kết quả xét nghiệm nên đành chịu.

Trong khi đó, cùng với quận Đống Đa, quận Hoàng Mai có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất thành phố. Từ đầu năm đến nay, Hoàng Mai ghi nhận gần 1.000 bệnh nhân. Nửa tháng qua, mỗi tuần, quận này phát hiện từ 130 đến 150 ca bệnh.

Trần Đức Tuân, sinh viên năm 4, quê Hà Nam, ở trọ tại phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội bị bệnh sốt xuất huyết.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Tuấn Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai vẫn cho rằng dịch bệnh chỉ xuất hiện rải rác, chưa đến mức nghiêm trọng: “Dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay chỉ xuất hiện rải rác, "xôi đỗ", chứ không tập trung. Tổ này thì có bệnh nhân, nhưng tổ khác thì không có, nên hiện nay chúng tôi chỉ phòng bệnh thôi”. 

Dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh ở Hà Nội. Nhiều gia đình có từ 3 đến 5 người cùng mắc bệnh. Số trường hợp mắc trong tuần qua ở Hà Nội là gần 700 ca, tăng gấp rưỡi so với tuần trước đó. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố phát hiện gần 3.500 bệnh nhân.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, trong quá trình phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch, có tới 15% số gia đình đi vắng cả ngày và 5% số hộ không hợp tác với nhân viên y tế dự phòng: “Đối với những trường hợp không hợp tác thì biện pháp sẽ là ngành y tế thống kê sau đó sẽ báo cho chính quyền và chính quyền đến để vận động, tuyên truyền. Hà Nội chưa xử phạt nhưng cũng đã đề xuất chính quyền, các  hộ có nguy cơ có nhiều bọ gậy, nguy cơ về bệnh dịch nếu không hợp tác thì cũng có thể xử phạt để làm gương.”

Tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang quá tải do hàng ngày tiếp nhận gần 100 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám và điều trị. Còn tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa, trong tháng 6 vừa qua có gần 400 bệnh nhân đến khám và điều trị sốt xuất huyết. Bệnh viện phải kê thêm giường ngoài hành lang để tiếp nhận bệnh nhân.

Bệnh viện đa khoa Đống Đa phải kê thêm giường ngoài hành lang để tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc chữa trị cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn và thời gian nằm viện khá dài. Điều đáng lo ngại hơn là nhiều người dân còn thiếu hiểu biết hoặc lơ là, chủ quan với dịch bệnh sốt xuất huyết, kể cả người đã từng mắc bệnh này.

Thời tiết nắng và mưa xen kẽ như hiện nay rất thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi và dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển. Virus gây bệnh có 4 tuýp. Bệnh nhân sau khi mắc một trong 4 tuýp vẫn có thể mắc sốt xuất huyết do các tuýp còn lại.

Bệnh có thể gây biến chứng giảm tiểu cầu, suy đa tạng và tử vong. Biện pháp phòng bệnh là diệt muỗi, bọ gậy và không để muỗi đốt, tưởng đơn giản nhưng nếu cơ quan chức năng và người dân còn lơ là, chủ quan với dịch bệnh thì sẽ rất nguy hiểm.

Mới bước vào đầu mùa dịch mà Hà Nội đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết trong số 13 trường hợp của cả nước. Nếu không chấn chỉnh những tồn tại như vừa nêu thì không chỉ số người mắc bệnh tăng cao mà số tử vong vì dịch bệnh này cũng không dừng lại ở con số thống kê hiện nay. Dịch bệnh sốt xuất huyết đang lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, chẳng hạn như tại Srilanka mùa dịch này có 225 người thiệt mạng và khoảng 76 nghìn người mắc sốt xuất huyết, 1 lần nữa cảnh báo về việc phòng bệnh hơn chữa bệnh./.