Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra sáng nay (3/8) tại Hà Nội, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến mưa, lũ của hoàn lưu bão số 3 đề phòng sạt lở đất và ngập úng.

vov_mua_bao_1_lego.jpg
Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo mưa lớn của hoàn lưu bão nhiều khả năng gây ngập úng và sạt lở đất.

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, các bộ ngành đã triển khai nghiêm túc theo nhiệm vụ được phân công. Chỉ đạo các đơn vị tuyến biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cùng với các địa phương kiểm soát, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản an toàn; di dời, đảm bảo an toàn dân cư ở các đảo; các đơn vị vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất. Lực lượng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho toàn bộ tàu thuyền vào nơi trú tránh bão.

Thông tin về 21 tàu cá, với 103 lao động của tỉnh Quảng Bình đã vào tránh trú bão tại đảo Hải Nam, Trung Quốc, đến khoảng 17h chiều qua, Đồn biên phòng Cảng Gianh đã liên lạc được với các tàu này.

Đại tá Trần Văn Đình, Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, đồn Biên phòng Cô Tô đã vận động và di dời vào nhà ở của đơn vị  gần 100 người nuôi trồng thủy hải sản trong tối qua đảm bảo an toàn cho người dân. Hiện, đồn đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị ở vùng núi phía Bắc và Bắc miền Trung các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ do hoàn lưu của bão để tham mưu, phối hợp với công an, quân sự địa phương và các lực lượng chức năng khác để tham mưu địa phương về phương án ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất.

Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng thông tin đã liên lạc với 21 tàu cá của ngư dân Quảng Bình.

Kết luận tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến mưa lớn, đề phòng sạt lở đất khu vực miền núi và ngập úng ở đồng bằng. Thông tin kịp thời đến người dân và chính quyền địa phương chủ động trong ứng phó mưa do hoàn lưu bão gây ra.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra an toàn đê điều, hồ đập nhất là các công trình đang thi công, chủ động vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du trong đó lưu ý các hồ thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi; rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đảm bảo an toàn tính mạng người dân. Bố trí lực lượng thường xuyên canh gác, kiểm tra hướng dẫn người dân, các phương tiện giao thông tại các khu vực ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt đồng thời cắm các biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở.

“Triển khai ngay việc đảm bảo an toàn tính mạng người dân ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Không chỉ an toàn cho nhân dân ở nhà những khu vực nhà ở mà còn phải đảm bảo an toàn ở những ngầm, tràn, đường giao thông có nguy cơ xảy ra sạt  lở đất, lũ quét, bị chia cắt. Ngành giao thông phải tăng cường kiểm tra, canh gác và chỉ đạo cho các địa phương cắm biển cảnh báo kịp thời không để xảy ra những tai nạn đáng tiếc”- ông Trần Quang Hoài đề nghị./.