Mặc dù, hiện nay đã có 9/13 tỉnh có bệnh viện lao và bệnh phổi đi vào hoạt động, các kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu đã được triển khai, nhằm đẩy mạnh phát hiện bệnh nhân lao và lao kháng thuốc, quản lý và theo dõi điều trị hiệu quả. Thế nhưng, công tác phòng chống lao tại các khu vực vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, đặc biệt là  khu vực Tây Nam Bộ, số bệnh nhân lao mắc mới, vẫn còn ở mức cao.

lao_da_khang_thuoc_bcjn.jpg
Chú thích ảnh

Theo báo cáo hội nghị “Tăng cường công tác phòng chống lao khu vực Tây Nam Bộ” vừa diễn ra tại Cần Thơ, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao phổi mới ở khu vực ĐBSCL vẫn duy trì ở mức cao, đứng thứ 2 trong tổng số 8 khu vực kinh tế xã hội của quốc gia, chỉ đứng sau một số tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam bộ. Đáng lo ngại nhất, số lượng bệnh nhân lao đa kháng thuốc tại khu vực này được phát hiện hàng năm là khoảng 1.300 bệnh nhân; chiếm 1/4 tổng số bệnh nhân lao đa kháng thuốc của cả nước.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do phát hiện muộn, điều trị không kịp thời và điều trị thiếu bài bản. Trong 13 tỉnh, thành của khu vực Tây Nam Bộ, có một số tỉnh có tỷ lệ phát hiện lao phổi mới vẫn cao hơn mức trung bình của cả khu vực, điển hình như: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Sóc Trăng,…

Phát biểu tại Hội nghị, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến – Thứ Trưởng Bộ Y tế, đề cập: Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ tiến triển của bệnh lao rất cao và là vựa lao của cả nước. Đồng thời, tỷ lệ mắc lao các thể như: lao hạch, lao màng não… cũng ở mức cao.

Giáo sư Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: “Số lượng người chết do lao còn nhiều và cao hơn so với tai nạn giao thông. Trước tình trạng, thực tiễn như vậy, chúng ta phải làm thật là bài bản, trách nhiệm, phải có sự vào cuộc của các Hệ thống chính trị, phải có có các bệnh viện phổi hay bệnh viện lao và bệnh phổi ở các tỉnh. Và công việc ở đây, không chỉ là điều trị ở trong bệnh viện mà cộng đồng cũng rất quan trọng. Đối với trách nhiệm mỗi người, mỗi cộng đồng xã hội chưa cao, tạo điều kiện cho dịch tễ học, về lây lan nó càng nhiều”.

Công tác phòng, chống lao cần được xem là nhiệm vụ của toàn xã hội, cần được sự quan tâm và đầu tư thỏa đáng cả về nhân lực, vật lực để có thể áp dụng các giải pháp mới, công nghệ mới, thuốc mới trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng Lao, nhằm giảm gánh nặng bệnh lao trong khu vực và trên cả nước./.