Chiều nay (15/11), tại Đại học Luật Hà Nội đã diễn ra Hội thảo chuyên đề chúc mừng 10 năm thành lập Trung tâm đào tạo và nghiên cứu Pháp luật Nhật Bản tại Việt Nam. Chương trình do Đại học Luật Hà Nội, kết hợp với Trung tâm đào tạo và nghiên cứu Pháp luật Nhật Bản, Khoa nghiên cứu sau đại học – Đại học tổng hợp Nagoya tổ chức.

vov_luat_qvij.jpg
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo. 

Tại hội thảo, ông Uemura Yuichi, Giám đốc công ty THHH Sekisho Việt Nam cho biết, từ trước đến nay, doanh nghiệp Nhật Bản hầu hết đều có xu hướng tuyển dụng các ứng viên có kinh nghiệm làm việc, tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, số  lượng doanh nghiệp có tình trạng nhân viên dày dạn kinh nghiệm dần trở thành lực lượng nòng cốt của công ty, trong khi đó, số lượng  nhân viên trẻ tuổi ngày càng ít. Nhận thức được tầm quan trọng cần phải lấy lại sự cân bằng trong cơ cấu nhân sự, các doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu chuyển dần sang xu hướng tích cực tuyển dụng những sinh viên mới tốt nghiệp.

Ông Uemura Yuichi cho biết: “Điều mà doanh nghiệp Nhật Bản đòi hỏi nhiều nhất ở sinh viên mới tốt nghiệp đó là “bản chất con người”. Học thức hay năng lực ngoại ngữ là những đòi hỏi tất yếu, tuy nhiên, sau đó, nhân viên mới cần phải tham gia quá trình đào tạo trong doanh nghiệp. Trong tương lại, nhân viên này có thể vươn xa đến đâu mới là điều được quan tâm hơn cả.

Chăm chỉ, chân thực, siêng năng là những tố chất được chú trọng nhiều nhất. Thêm  nữa, đó phải là những người năng động, có kỹ năng lãnh đạo, biết cân bằng tốt các mặt đối lập trong một chỉnh thể là điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng”.

Ngoài ra, Ông Yuichi Uemura cũng nhận định rằng với số lượng hơn 1.700 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam như hiện nay và trong tương lai, mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng 100 công ty, nhu cầu nhân lực trong các công ty này sẽ rất lớn, đặc biệt là nhóm có hiểu biết về pháp luật.

Giám đốc công ty Sekisho Việt Nam cho biết, trước khi tiến hành đầu tư sang Việt Nam, bản thân công ty của ông cũng đã từng chật vật để tìm nhân sự am hiểu về pháp luật Việt Nam tại Nhật Bản. Đây cũng là khó khăn chung của rất nhiều công ty Nhật Bản.

Ông Suburi Haruo, Trường đại học Kinh tế Nagoya cho biết  các chuyên gia dự đoán rằng Châu Á sẽ trở thành trung tâm nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn phải đương đầu với tình trạng già hóa dân số, việc hợp tác với các nước trong khu vực Châu Á về vấn đề nhân lực là cần thiết.

Cũng trên cơ sở dự đoán này, Trung tâm đào tạo và nghiên cứu pháp luật Nhật Bản tại các nước trong khu vực châu Á đã lần lượt được xây dựng.  Đến nay, sau 11 năm hoạt động, khi nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam, Trung tâm đã đóng vai trò to lớn, là nguồn cung ứng nhân lực hoạt động cho các doanh nghiệp Nhật Bản./.