Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi Trung ương) vừa nỗ lực cứu sống thành công bệnh nhi mới 2 tháng tuổi bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng. Kíp kỹ thuật gồm những bác sĩ thuộc các chuyên khoa siêu âm, ngoại tim mạch, can thiệp tim mạch và các kỹ thuật viên đã thực hiện ca phẫu thuật suốt 4 tiếng để giữ lại mạng sống cho bé H.
Bệnh nhi Phan H.H (ở Thái Bình) sinh ra đã có biểu hiện tím tái khi quấy khóc nhưng gia đình không để ý. Ngày 2/9 thấy con liên tục khó thở, thở nhanh, bú kém, gia đình mới đưa đến bệnh viện tỉnh. Sau khi thăm khám, xác định cháu bé có bệnh lý về tim bẩm sinh rất nặng và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Mẹ con bệnh nhi H. tại Bệnh viện Nhi Trung ương |
Tại đây, bệnh nhi khám tim mạch và siêu âm tim với chẩn đoán tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn thể trên tim có tắc nghẽn. Xác định đây là trường hợp bệnh lý tim phức tạp nếu không phẫu thuật sớm bệnh nhân sẽ không qua khỏi, các sĩ đã hội chẩn và đi đến thống nhất phẫu thuật cấp cứu chỉ một ngày sau đó.
Ca phẫu thuật kéo dài gần 4 giờ đồng hồ đã cho kết quả tốt đẹp. Chỉ một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhi đã được rút nội khí quản. Trẻ tự thở, bú tốt, các chỉ số về mạch trong giới hạn cho phép.
TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch trẻ em cho biết, tĩnh mạch phổi trở về bất thường là dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp, xuất hiện khi các tĩnh mạch phổi hình thành một cách bất thường trong thời kỳ bào thai. Nguyên nhân của bệnh lý này còn chưa rõ ràng.
Ở tim bình thường, 4 tĩnh mạch phổi làm nhiệm vụ đưa máu giàu oxy từ hai bên phổi trở về tâm nhĩ trái. Máu này sau đó sẽ được đẩy đi nuôi cơ thể. Ở bệnh nhi có tĩnh mạch phổi trở về bất thường, một hoặc nhiều tĩnh mạch phổi không trở về tâm nhĩ trái như thường lệ mà lại trở về tâm nhĩ phải. Nếu tất cả các tĩnh mạch phổi bị ảnh hưởng, bệnh sẽ có tên tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn.
TS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Hồi sức tim mạch cho biết, thời điểm xuất hiện và độ nặng của triệu chứng bệnh phụ thuộc vào số lượng tĩnh mạch bị ảnh hưởng và có hay không có sự tắc nghẽn các tĩnh mạch này. Trường hợp 1 tĩnh mạch bị tổn thương, bệnh nhi thường không có triệu chứng. Nếu 2 tĩnh mạch cùng bên bị tổn thương, bệnh nhi có thể có các biểu hiện nhẹ ở thời kỳ thơ ấu như khó thở khi gắng sức và mệt mỏi nhẹ. Nhưng khi trưởng thành, quá nhiều máu trở về phổi có thể gây tăng áp lực động mạch phổi.
Tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn là bệnh lý nghiêm trọng, cần được phẫu thuật chỉnh sửa ngay sau khi chẩn đoán. Trong khi phần lớn bệnh nhi không có biểu hiện bất thường khi chào đời, khoảng 50% sẽ xuất hiện các triệu chứng trong tháng đầu đời, và hầu như tất cả trẻ sẽ có biểu hiện khi trên 1 tuổi.
Các triệu chứng bệnh bao gồm: suy tim ứ huyết (thở nhanh, ra mồ hôi, uể oải, cáu gắt, ăn kém, tăng trưởng kém), và xanh tím nhẹ ở môi và đầu ngón tay. Tắc nghẽn trên đường trở về của tĩnh mạch phổi có thể dẫn đến những rắc rối nặng về hô hấp: suy hô hấp, phù phổi./.
Cần chẩn đoán sớm bệnh tim bẩm sinh
Theo thống kê của Trung tâm Tim mạch trẻ em, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 10.000 - 12.000 trẻ mới sinh mắc chứng tim bẩm sinh cần được chẩn đoán và can thiệp sớm.
Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo, việc chẩn đoán sớm các bệnh tim bẩm sinh ngay từ thời kì bào thai bằng phương pháp siêu âm có một vai trò vô cùng quan trọng. Bệnh tĩnh mạch phổi trở về bất thường có thể được chẩn đoán bằng siêu âm tim thai từ tuần thứ 18.