Ngày 12/5, Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê (CPCP) - một hoạt động phối kết hợp giữa Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife) với Vườn quốc gia Cúc Phương, đã làm việc với Trạm Kiểm lâm Xuân Lộc – Long Khánh, Đồng Nai để cứu hộ thành công một cá thể Cầy vằn.

cay_van_zgnh.jpg
Cá thể Cầy vằn đầu tiên được cứu hộ 

Đây là cá thể Cầy vằn đầu tiên được cứu hộ và chuyển đến Trung tâm kể từ năm 2002. Hiện tại, cá thể này đang được chăm sóc đặc biệt tại CPCP/Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã.

Cá thể Cầy vằn này được ông Lưu Quang Mật, một người dân địa phương tại huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, tình nguyện giao nộp vì mục đích cứu hộ. Trước đó, ông Mật đã liên lạc với Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã.

Theo đó, vào năm 2014, ông Mật đã mua hai cá thể Cầy vằn từ một thợ săn địa phương tại TP Hồ Chí Minh để nuôi làm cảnh, mà không biết rằng đây là loài bị cấm săn bắt và buôn bán vì mục đích thương mại. Do quá yếu, một cá thể đã bị chết. Sau đó, ông đã quyết định giao nộp cá thể còn lại cho trung tâm cứu hộ.

Cán bộ CPCP/SVW và Kiểm lâm huyện Xuân Lộc – Long Khánh tiếp nhận cá thể Cầy vằn từ gia đình ông Lưu Quang Mật

Ông Trần Quang Phương, Quản lý Chương trình CPCP chia sẻ: “Hoạt động cứu hộ này đánh dấu thành công đầu tiên của chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn loài Cầy vằn của chúng tôi. Ngoài ra, chiến dịch còn chú trọng trong việc thúc đẩy các cơ quan thực thi pháp luật chuyển giao Cầy vằn tịch thu đến các trung tâm cứu hộ”.

Cũng theo ông Phương: “Cá thể Cầy vằn hiện đang trong tình trạng sức khỏe tốt. Đây là sự đóng góp lớn trong Chương trình Sinh sản Bảo tồn loài Cầy vằn tại Trung tâm vốn được phát triển nhằm gia tăng đa dạng gen đối với quần thể Cầy vằn ngoài tự nhiên tại Việt Nam”./.