Sáng nay (17/8), Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính 2016-2020; đồng thời công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2015 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tham dự tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Cải cách thủ tục hành chính là một trong những nội dung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng góp phần đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính. Trong giai đoạn 2011 - 2015, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành trên 11.700 văn bản chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính. Bộ Nội vụ cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện cải cách hành chính một cách đồng bộ, thống nhất; ban hành và triển khai có hiệ quả một số đề án.

hn_cchc_jarq.jpg
Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015
Tại hội nghị, công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2015 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết: đứng đầu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 89,42%; 2-Bộ Tài chính 89,21%; 3-Bộ GTVT 88,77%; 4- Bộ Nội vụ 86,99%; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 86,81%; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch 86,78%; Bộ Xây dựng 86,74%; Bộ Y tế  86,58%; Bộ Tư pháp 86,47%; Bộ Ngoại giao 85,34%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 84,29%; Thanh tra Chính phủ 84,07%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 83,73%; Bộ LĐTB&XH 83,56%; 15- UB Dân tộc 83,27; 16- Bộ Giáo dục - Đào tạo 82,27%, 17 – Bộ Khoa học và Công nghệ 82,21;  8- Bộ Công thương 82,19%, 19- Bộ Thông tin và Truyền thông… điểm trung bình là 85,3%.

Ông Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh: Với kết quả như vậy, giá trị trung bình về cải cách hành chính của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 85,5%, đạt kết quả cao nhất trong 4 năm triển khai thực hiện quyết định chỉ số hành chính, cao hơn so với năm 2014 (năm 2014 đạt 76,99%) là 8,31%.

Kết quả cải cách hành chính năm 2015 cho thấy tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ đạt trên 80%. Điều này thể hiện nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành của các bộ, cơ quan ngang bộ và cả kết quả đạt được trong cả quá trình triển khai thực hiện CCHC trên tất cả các cái nội dung.

Trong khi đó, theo Báo cáo của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho thấy: Trong giai đoan 2011 - 2015, số ̣ lượng các cơ quan, đơn vị thuộc các cơ quan Trung ương được kiểm tra là hơn 1.600 cơ quan, đơn vị và ở địa phương là trên 8.000 cơ quan, đơn vị. Thông qua đó, kịp thời biểu dương, động viên những đơn vị làm tốt và phát hiện những sai phạm để có những chấn chỉnh trong quá trình thực hiện cải cách hành chính.

Thủ tục hành chính được các bộ, ngành, địa phương công bố, niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, công khai trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; bên cạnh đó thực hiện Quyết định số 08/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2015, toàn bộ các thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương được chuẩn hóa và công khai, giúp cá nhân, tổ chức truy cập tìm hiểu, thực hiện thuận tiện, chính xác.

Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh triển khai tại các địa phương với nhiều cách làm mới, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện.

Bản báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế và tồn tại như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính chưa thực sự quyết liệt, việc quán triệt, tuyên truyền và chỉ đạo tổ chức thực hiện, bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra giám sát ở một số cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên.

Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, với quá nhiều hình thức văn bản quy phạm pháp luật do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành, bên cạnh đó pháp luật lại chưa được thường xuyên rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất, pháp điển hóa nên khó tiếp cận, gây khó khăn cho việc tuân thủ, thi hành.

Tính đồng bộ, cân đối của hệ thống pháp luật tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn sự chênh lệch, thiếu tính đồng bộ giữa các lĩnh vực. Nhiều đạo luật chưa có tính ổn định, tính dự báo chưa cao nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung, ảnh hưởng đến sự ổn định của các quan hệ kinh tế - xã hội, nhất là đối với các quan hệ kinh tế.

Tính khả thi của hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập: Luật khung, luật ống với nhiều quy định mang tính tuyên ngôn, nguyên tắc chung và ủy quyền lập pháp, ngược lại còn có một số văn bản quy định quá chi tiết, đi sâu vào một số lĩnh vực cụ thể cần có sự điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với sự phát triển năng động của quan hệ kinh tế - xã hội.

Những giải pháp cải cách, đổi mới trong thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa phát huy đầy đủ hiệu lực trong thực tiễn như vấn đề đánh giá tác động của chính sách, tác động của văn bản, việc thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học.

Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn đang là nguyên nhân hạn chế hiệu lực thực tế của cả hệ thống pháp luật.Thực hiện tinh giản biên chế kém hiệu quả. Một số lĩnh vực quản lý nhà nước vẫn còn chồng chéo, vướng mắc. Phân cấp quản lý nhà nước chưa được thực hiện triệt để, nghiêm túc./.