Những ngày này, tại ga Sài Gòn, vẫn có rất đông người dân đến tìm hiểu và mua vé tàu về quê ăn Tết. Vì nhiều lý do khác nhau mà họ không thể mua được vé sớm, nên giờ tranh thủ thời gian rảnh rỗi để ra ga mong tìm được tấm vé ưng ý.
vov_1_6__xism.jpg
Trước cổng ga Sài Gòn.
Chị Nguyễn Trà My, đang cần tìm vé về Nghệ An dịp Tết sắp tới nói: "Hôm trước bán vé tàu Tết em cũng có tranh thủ canh mà vẫn chưa mua được. Mấy hôm nay em rảnh ra ga để tìm hiểu xem còn cách nào có thể mua được vé không. Thấy chỉ còn vé ghế phụ nên cũng đang phân vân chưa biết sao? Do đi Nghệ An xa quá nên em đang tìm giường nằm hoặc ghế ngồi trước".

Và khi không thể tìm được vé trên các kênh chính thống thì một số hành khách đánh liều tìm đến "cò vé".

 Theo quan sát của phóng viên tại ga Sài Gòn, tuy không còn cảnh "cò vé" hoạt động một cách liều lĩnh nhưng lực lượng này vẫn túc trực ở cổng ga khá đông và sẵn sàng mồi chài khi khách có nhu cầu.

Trong vai một hành khách cần vé đi Quảng Ngãi vào ngày 28 Tết, phóng viên tìm đến "cò vé" và được tư vấn đưa thông tin, số chứng minh nhân dân và số điện thoại. Theo khẳng định của "cò" thì chỉ sau hai ngày sẽ có vé.

Khi phóng viên bày tỏ sự nghi ngại về nguy cơ vé giả thì người này cho biết, từ xưa đến nay chưa từng có sự cố, bởi họ chỉ như là môi giới bán lại tấm vé để ăn chênh lệch khoảng 200.000 – 300.000 đồng/một vé chứ không phải vé giả. Khi chúng tôi lấy lí do là suy nghĩ lại, thì họ sẵn sàng đưa số điện thoại để dễ liên lạc.

Khách xem giờ đi tàu tại ga.

"Về suy nghĩ kĩ đi rồi liên hệ. Chúng tôi cũng phải tốn điện thoại để hỏi có không. Sáng giờ không bán được vé nào", 1 "cò vé" nói.    

Theo đại diện Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, đến thời điểm này, lực lượng "cò vé" không còn hoạt động rầm rộ như xưa, bởi quy trình bán vé đã rất chặt chẽ, mọi thứ được đưa lên internet và thậm chí là người trong ngành cũng không thể can thiệp để mua vé. Số lượng chỗ, số ghế đều công khai. Ngành đường sắt khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua vé từ "cò vé" hoặc các điểm bán vé không chính thức.

Ông Nguyễn Ánh Luyện, Phó Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn nói: "Chúng tôi xin khuyến cáo người dân không nên nghe lời cò vé hoặc đối tượng xấu có thể gây thiệt hại cho bản thân về tài chính và không được đi tàu. Nên đến các điểm bán vé chính thức, các trang web chính thức của ngành đường sắt bởi vì hiện có nhiều trang giả dạng lừa đảo người dân. Nên chúng tôi một lần nữa khuyến cáo người dân hãy đến những điểm chính thức của ngành đường sắt để mua vé".

Mua vé tàu để về quê ăn Tết là nhu cầu rất chính đáng của người dân. Tuy nhiên, cũng không nên tìm đến "cò vé", bởi nguy cơ mua phải vé giả hoặc tiền mất, nhưng vé về quê... không thấy đâu./.