Thời gian gần đây, vấn đề tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tiếp tục làm nóng dư luận xã hội khi có một số thông tin cho biết: vụ gian lận thi cử ở Sơn La năm ngoái, gia đình thí sinh được nâng điểm phải đưa từ mấy trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng cho mỗi suất chạy điểm. Vậy thông tin này có chính xác hay không?
Tại phiên thảo luận kinh tế- xã hội tại Quốc hội diễn ra cuối tuần qua, nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề về bất cập tại kỳ thi THPT quốc gia. Đại diện Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có trao đổi làm rõ hơn về kỳ thi THPT quốc gia tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5.
Ảnh minh họa |
Liên quan đến những vụ việc dư luận quan tâm về vấn đề gian lận thi cử năm 2018, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, hiện nay đã khởi tố 3 vụ án, 1 vụ ở Hà Giang, 1 vụ ở Sơn La và 1 vụ ở Hoà Bình. Vụ Hà Giang và Sơn La giao cho cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Giang và Sơn La thụ lý. Và vụ ở Hoà Bình do Bộ Công an thụ lý.
Để bảo đảm xử lý kịp thời các vụ án theo đúng thời hạn quy định của pháp luật , trước mắt cơ quan điều tra đã có kết luận và đề nghị truy tố các bị can đã xác định rõ hành vi như lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao để can thiệp, sửa chữa điểm thi, khẩn trương đưa ra truy tố, xét xử theo quy định.
Về một số thông tin nói có việc đưa, nhận tiền từ người nhà thí sinh cho các bị can với số tiền từ vài trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng cho mỗi suất chạy điểm ở Sơn La, Trung tướng Lương Tam Quang khẳng định: "Cơ quan điều tra hiện cũng đã có thông tin và qua quá trình hiện cũng đang đấu tranh thu thập có thêm các chứng cứ khác theo đúng quy định của pháp luật về thông tin cũng như 1 lời khai về việc đưa và nhận tiền này. Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để xác định việc này, hiện đang khẩn trương đấu tranh lam rõ, khi có kết luân sẽ công thông tin công khai."
Trước những ý kiến cho rằng không nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ở địa phương, không thi tốt nghiệp mà chỉ xét tốt nghiệp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: trước năm 2015, ngoài việc thi tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ phải thi 3 kỳ thi nữa là thi đại học, thi cao đẳng và trung cấp ở các khối khác nhau. Việc tổ chức thi cũng gây những khó khăn cho phụ huynh học sinh, vào các ngày thi, học sinh phải dồn từ các tỉnh về các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và cũng gây rất bức xúc cho người dân. Việc đổi mới thi nhằm khắc phục những khó khăn vừa nêu, bảo đảm công bằng, giảm áp lực cho các em. Bộ cũng đã cân nhắc các ý kiến, nhưng nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT là trái với Luật Giáo dục.
Hiện ở bậc phổ thông đã bỏ thi tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở, chỉ còn một kỳ thi duy nhất là thi THPT để đánh giá cả quá trình học phổ thông, nếu không có thi thì động lực học tập của học sinh sẽ giảm sút.
Ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng: "Nếu tổ chức cả 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học thì rất vất vả cho các em. Bộ đã đưa ra phương án không tổ chức thi đại học mà tổ chức một kỳ thi chung có tên là kỳ thi THPT quốc gia. Đây là kỳ thi “hai trong một”, vừa lấy kết quả làm căn cứ xét tốt nghiệp và cũng làm cơ sở cho các trường đại học có thể dựa vào đó để tuyển sinh. Luật Giáo dục đại học ghi rõ là các trường đại học được quyền tự chủ về tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm về việc triển khai công tác này. Cho nên việc tổ chức riêng kỳ thi đại học là không phù hợp mà chỉ có thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như vậy."
Ông Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết, Đề án được Chính phủ phê duyệt và cho phép thực hiện đến năm 2020 và Bộ đang thực hiện phương án này. Trong quá trình tổ chức, Bộ cũng tiếp thu, ghi nhận ý kiến nhân dân và sau năm 2020 sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình cụ thể. Sau những “lùm xùm” của kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái, điều mà dư luận quan tâm lúc này là Bộ GD và đào tạo và chính quyền địa phương phải thực hiện cho được một kỳ thi nghiêm túc, an toàn và minh bạch. /.