Dù bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, chia cắt giao thông nhưng với tinh thần quyết tâm tìm “con chữ” thoát nghèo, nhiều học sinh ở bản Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên vẫn khắc phục mọi khó khăn để kịp đến trường trong ngày khai giảng năm học mới 2018 – 2019.

chui_tui_nilon_vuot_suoi_di_khai_giang_xpnd.jpg
Cách các xem học sinh đi học tại đây vào mùa lũ là chui vào túi nilon và nhờ người lớn đưa qua suối.

Tuy nhiên, cái cách mà các em đến trường có lẽ cũng chỉ thấy ở các bản làng vùng cao khó khăn ở Tây Bắc khi chấp nhận chui túi bóng nhờ người lớn đưa qua suối lũ và băng rừng hơn 5 tiếng đồng hồ qua những đoạn đường dốc trơn như đổ mỡ, đầy bùn lầy để đến trường.
Bản Huổi Hạ là một trong những bản xa và khó khăn nhất của xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Cả bản có 75 hộ, với khoảng 500 nhân khẩu sinh sống, 100% là hộ nghèo.
Trận mưa lũ lớn vừa qua khiến nước suối Nậm Chim lên cao, cuốn trôi mất chiếc cầu tạm bằng tre nứa của bản, nên người dân nơi đây phải khắc phục bằng cách dùng bè tre, căng dây thừng qua suối để đi lại.
Việc đi lại bằng cách này đối với người lớn vô cùng vất vả, đối với trẻ nhỏ, các em học sinh trong bản còn vất vả hơn nhiều. Để kịp đến trường khai giảng năm học mới, hơn 50 học sinh cấp II của bản phải chấp nhận chui túi bóng nilon, nhờ người lớn kéo qua suối, rồi sau đó lội bộ khoảng 5 giờ đồng hồ qua hơn 15km đường rừng để đến trường.
Anh Vừ A Giống, Trưởng bản Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên cho biết: “Bây giờ, suối này đi rất nguy hiểm, bà con định chở các cháu qua bằng bè nhưng không được phải sử dụng cách để các cháu vào túi nilon rồi kéo qua, nhưng vẫn rất nguy hiểm. Cũng mong nhà nước sớm đầu tư cầu treo cho bà con đi lại thuận tiện hơn”.
Mong muốn có một cây cầu chắc chắn để đi lại không chỉ là mong ước của người dân trong bản, mà đây cũng là niềm trăn trở đối với các giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy các em ở Huổi Hạ.
Trước những quyết tâm, sự hiếu học của các em, các thầy cô giáo nơi đây không quản đường xá xa xôi đi vận động, đưa các em ra lớp cho kịp năm học mới.
Cô Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Na Sang, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Những trận mưa lũ đã chia cắt bản Huổi Hạ này. Đối với nhà trường có hơn 50 học sinh trong bản Huổi Hạ, cho đến giờ phút này, các thầy cô cùng với phụ huynh cũng đã huy động được các cháu ra lớp gần đủ. Tuy nhiên việc đi lại thì cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cũng mong rằng trong những năm học tới có sự đầu tư của nhà nước có những cây cầu hiện đại hơn để đưa các cháu ra trường ra lớp trong những mùa mưa này”.

Do mùa lũ, nước suối Nậm Chim lên cao, cuốn trôi cầu tạm bằng tre nên người dân phải dùng bè tre, căng dây thừng qua suối để đi lại.
Chính quyền xã Na Sang cho biết, việc các em học sinh ở bản Huổi Hạ phải chui túi bóng nilon qua suối lũ đi học là chuyện bất đắc dĩ không mong muốn, song hiện nay do đường xá đi lại quá khó khăn nên chưa xây dựng được cầu. Xã cũng đang đề nghị lên trên xem xét, cân đối kinh phí làm cầu giúp người dân đi lại bớt khó khăn.
Ông Vàng A Pó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Na Sang nói: “Bản Huổi Hạ khi vào trong mùa mưa thì bố mẹ, phụ huynh học sinh phải đưa các cháu đi bằng bè và bằng phương tiện khác để qua sông.
Đảng ủy, Chính quyền và nhân dân xã Na Sang cũng đã kiến nghị rất nhiều lần với cơ quan cấp trên có thẩm quyền để xin đầu tư một con đường, một cái cầu để phục vụ cho nhân dân trong cuộc sống, nhưng mà hiện nay vẫn chưa có sự đầu tư của cấp trên nên rất vất vả cho người dân và các cháu học sinh trong việc đi lại”.
Việc học sinh chui túi nilon qua suối lũ đi học cũng đã từng xảy ra tại bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên vào năm 2014. Ngay sau sự việc này Bộ Giao thông vận tải cũng đã khẩn trương cho xây dựng cầu Sam Lang giúp người dân trên địa bàn đi lại thuận lợi hơn. Hy vọng người dân, học sinh bản Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên cũng sẽ sớm được đầu tư một cây cầu chắc chắn để đi lại trong thời gian sắp tới.
Được biết, sau khi VOV phản ánh sự việc này, đã có nhà hảo tâm ngỏ ý muốn chung tay xây dựng một chiếc cầu giúp các em học sinh được an toàn hơn trên con đường đến trường./.