Các địa phương đang khẩn trương thống kê thiệt hại để triển khai phương án hỗ trợ người dân và tăng cường đảm bảo an toàn hệ thống đê điều và lũ ống lũ quét. Đây là nội dung tại cuộc họp Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra sáng nay(21/8) tại Hà Nội.
Văn phòng ban chỉ đạo Trung ương lưu ý - các địa phương đề phòng sự cố đê điều và sạt lở đất |
Trong đó, tỉnh Yên Bái thiệt hại nhiều nhất về số người chết với 2 người. Bão cũng khiến 44 nhà bị đổ sập, cuốn trôi; 651 nhà bị tốc mái, hư hại. Về nông nghiệp, khoảng 8 nghìn 800 ha lúa và gần 2 nghìn ha hoa màu bị ngập úng. Mưa lũ khiến 14 cầu nhỏ, ngầm tràn bị cuốn trôi, nhiều vị trí tại các quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ngập nước hoặc bị đất đá vùi lấp gây ách tắc giao thông; xảy ra sự cố sạt lở trên một số tuyến đê tại các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát và triển khai việc sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông suối; Triển khai các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó, tập trung các trọng điểm đê điều bị sự cố và 18 hồ chứa xung yếu đang tích nước cao.
Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lưu ý: Lũ đã đỉnh nhưng theo dự báo còn rút chậm, trong khi đó hệ thống đê điều xảy ra nhiều sự cố trước trong và sau bão số 3.
Vì vậy, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ, phát hiện sự cố kịp thời “để xử lý giờ đầu” không để thiệt hại nghiêm trọng xảy ra. Bên cạnh đó, những địa phương khu vực miền núi sạt lở đường giao thông sớm khẩn trương khắc phục để sớm thông xe, cử người canh gác hướng dẫn người dân và các phương tiện không đi qua các ngầm, tràn nguy hiểm.
Đến sáng nay, các lưới điện 500 kV, 220 kV, 110 kV đã khôi phục vận hành. Về lưới điện phân phối đã khắc phục xong 8 trên tổng số 11 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bão số 3.
Hiện 47 trên tổng số 115 hồ chứa khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã tích đầy nước và đang xả tràn, trong đó có 18 hồ xung yếu đang tích nước cao ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc./.