Công văn của UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ, các ban ngành và các đơn vị liên quan phải tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các trường hợp vận chuyển tôm càng đỏ vào địa bàn và nuôi tôm càng đỏ trên địa bàn tỉnh. Khi phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

tom_hum_dat3_15581044075111504823773_mido_oiet.jpg
Tôm hùm đỏ. Ảnh: N. Lan.

UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu khi phát hiện có phát tán tôm càng đỏ ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm này đảm bảo đúng quy định về đa dạng sinh học. Ngoài ra, cũng cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến tác hại của loại tôm càng đỏ đối với môi trường và trong sản xuất để người dân hiểu nhằm ngăn chặn phát tán.

Thời gian gần đây tôm càng đỏ hay còn gọi là tôm hùm đất được đưa vào Việt Nam để làm thực phẩm tại một số địa phương. Đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao. Khi ra ngoài  môi trường, tôm càng đỏ sinh sôi nhanh chóng, phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, đồng thời có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác.

Loài tôm này không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng thủy sản và sinh học./.