Theo Bộ Y tế, trong số 5 trường hợp nhiễm virus corona mới (nCoV) gây viêm đường hô hấp cấp tại Việt Nam, có 2 bệnh nhân người Trung Quốc và 3 ca còn lại là người Việt Nam. 

_vuc_cach_ly_benh_nhan_nghi_ngo_klff_qbsa.jpg
3 người Việt Nam nhiễm virus corona.

Trong số những bệnh nhân người Việt, có 2 trường hợp đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và 1 trường hợp được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Việt Nam đã điều trị khỏi một trường hợp là bệnh nhân người Trung Quốc. Người này đã được xuất viện khỏi Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). 

Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cũng cho biết, Việt Nam đã ghi nhận 97 trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV, có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch. Trong đó, 65 ca đã xét nghiệm âm tính với nCoV và 32 ca đang tiếp tục cách ly theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng.

Ngoài ra, có 43 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do đã từng tiếp xúc gần với người nghi ngờ nhiễm virus nCoV.

Tại phiên họp của Thường trực Chính phủ, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương thì cho biết, so với dịch viêm đường hô hấp cấp SARS, thì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corora lây nhanh hơn, dễ nhiễm hơn, khó kiểm soát hơn. Do đó, nguy cơ lây lan vào Việt Nam là rất cao.

Về việc dự kiến chiều 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới có thể công bố Tình trạng khẩn cấp toàn cầu do dịch, nhưng theo ông Nguyễn Thanh Long, dù WHO có công bố hay không thì nước ta vẫn nên áp dụng các biện pháp như công bố tình trạng khẩn cấp.

Trong lĩnh vực giao thông hàng không, Vietnam Airlines đã hủy 70% số chuyến khai thác đến Trung Quốc, Vietjet hủy hơn 72%, Jetstar dừng khai thác toàn bộ các chuyến bay đến Trung quốc tháng 2, 3 năm nay. Đối với các hãng Trung Quốc, đến hôm nay 7 hãng xin hủy số chuyến với số lượng chiếm hơn 58% số chuyến đến nước ta. 

Về việc có nên tiếp tục triển khai Nghị định 100 hay không, vì người dân lo ngại khi thổi vào máy đo nồng độ cồn trong khí thở có thể dẫn đến lây nhiễm virus, đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, đã làm việc, tham vấn Tổ chức Y tế thế giới về vấn đề này.

Theo đó, máy đo chỉ có một chiều để thổi vào, không hít ra được. Hơn nữa, theo quy trình thì mỗi người thổi thì chỉ thổi một ống mới, không dùng chung. Về việc bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sỹ sử dụng máy thổi thì Ủy ban cho biết là thực hiện đeo găng tay, khẩu trang, sát trùng máy thổi trước khi sử dụng./.