Nhiều năm qua, các hộ dân ở tổ 1 và tổ 2 ấp Phong Phú, xã Long Phước, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu liên tục có những bức xúc về việc Nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng (đặt tại địa bàn giáp ranh 2 xã Đá Bạc, huyện Châu Đức và xã Long Phước, TP Bà Rịa) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con.
Nước thải từ phía sau nhà máy xả ra môi trường. |
Ông Vũ Viết Thụ, người dân tổ 1, ấp Phong Phú, xã Long Phước cho biết: nhà máy Phát Hưng thu gom mủ từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và cả ở Tây Nguyên về chế biến. Để né tránh cơ quan chức năng nhà máy này thường xả thải vào giữa đêm về sáng, thời điểm này người dân và cơ quan chức năng không thể phát hiện được. Người dân kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường vào giải quyết còn để các ngành ở địa phương thì không thể xử lý dứt điểm được.
Ông Thụ nói: “1h đêm bắt đầu xả đến 4h sáng, xả thải ban đêm để người dân không phát hiện ra. Bây giờ chúng tôi chỉ yêu cầu làm sao giải quyết dứt điểm nhà máy này, không để tồn tại nữa”.
Ông Lê Huyện, trưởng ấp Phong Phú, xã Long Phước cho biết: “Tình trạng này đã kéo dài từ năm 2006 đến nay, người dân đã có kiến nghị nhiều cơ quan chức năng và Hội đồng nhân dân các cấp mỗi lần tiếp xúc cử tri, tuy nhiên đến nay tình hình ô nhiễm không khí chưa có gì chuyển biến. Nếu chiều xả thả, đến tối khu vực này không chịu nổi. Lợi ích của cá nhânnhưng hậu quả về môi trường thì nhiều người dân phải chịu. Không thể đánh đổi kinh tế để mà ô nhiễm môi trường được”.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Long Phước, thành phố Bà Rịa đã thừa nhận việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng. Qua phản ánh của cử tri, xã đã thành lập đoàn khảo sát khu vực xả thải của nhà máy này. Ghi nhận vào thời điểm lúc 20h15 phút ngày 15/3/2017 tại khu vực xả thải bên ngoài nhà máy có một lượng nước đen ngòm, bốc mùi khó chịu, lưu lượng xả khoảng 5 lít/giây.
Đoàn đã kiến nghị với cơ quan chức năng và UBND thành phố và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông Minh nói: “Thời điểm đó là mùa nắng cho nên con suối đó không bao giờ có nước tự nhiên, mà lượng nước đó là do nhà máy này xả ra. Lượng nước xả ra đen ngòm và bốc mùi nồng nặc. Nước chảy từ phía sau nhà máy mủ, qua địa bàn tổ 1 và tổ 2 ấp Phong Phú, lượng nước này đổ ra sông Dinh, mà sông Dinh là sông cung cấp nước sinh hoạt cho TP Bà Rịa và Tp Vũng Tàu, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước con sông này”.
Ông Phan Văn Mạnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng trực thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát Hưng - Tây Ninh, hoạt động sơ chế mủ cao su từ năm 2006. Năm 2010, doanh nghiệp này đã bị UBND tỉnh ban hành quyết định đình chỉ hoạt động, do đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài và không thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục. Năm 2013, nhà máy Phát Hưng được cấp phép hoạt động trở lại khi đã xây dựng được đề án bảo vệ môi trường.
Mới đây, vào ngày 18/8/2017 UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có quyết định cử ông Phan Văn Mạnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường giám sát Đoàn Thanh tra toàn diện nhà máy chế biến mủ cao su Phát Hưng về đất đai, đầu tư, xây dựng, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quyết định này lại trùng thời điểm với Đoàn thanh tra của Tổng cục môi trường theo quyết định 946 ngày 24/8/2017, dự kiến sẽ thanh tra vào ngày 18 – 19/9/2017. Do tính chất phức tạp, khiếu kiện kéo dài và đa lĩnh vực nên tỉnh này đã đề nghị Tổng cục môi trường dừng việc thanh tra, giao cho tỉnh thực hiện công tác thanh tra đột xuất toàn diện nhà máy này.
Ông Phan Văn Mạnh cho biết: Cục môi trường miền Nam chỉ thanh tra về môi trường, do đó Sở Tài nguyên Môi trường đề nghị Cục môi trường miền Nam để đoàn thanh tra của tỉnh làm. Cục thanh tra vào làm trùng với nội dung sẽ làm phiền đến doanh nghiệp. Hiện nay Cục môi trường miền Nam chưa trả lời”.
Trường hợp Cục môi trường miền Nam và Đoàn thanh tra của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không thống nhất được kế hoạch thanh tra nhà máy Phát Hưng, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh này sẽ lấy kết quả thanh tra của Cục môi trường miền Nam, nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm sẽ kiến nghị UBND tỉnh xử lý.
Tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường của nhà máy Phát Hưng đã kéo dài nhiều năm qua nhưng chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không quyết liệt giải quyết dứt điểm. Người dân ấp Phong Phú, xã Long Phước, thành phố Bà Rịa đang lo ngại tình trạng ô nhiễm sẽ tiếp diễn và người dân phải gánh chịu nếu giao cho địa phương thanh tra lần này. Dư luận mong muốn một sự minh bạch từ phía Cục môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường trong đợt thanh tra sắp tới./.
Tạm dừng hoạt động nhà máy chế biến thủy sản xả thải ô nhiễm
VOV.VN - Mới đi vào hoạt động, cơ sở chế biến thủy sản của Công ty Việt - Trung đã gây ô nhiễm môi trường, làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục hộ dân
Chính quyền và dân phản đối gay gắt nhà máy xả thải ra đồng ruộng
VOV.VN - Địa phương kiến nghị cần đưa đường ống xả thải dệt nhuộm ra khỏi cánh đồng để không ảnh hưởng đến sản xuất
Kiên Giang: Kênh Nước Mặn ô nhiễm trầm trọng do xả thải
VOV.VN - Tình trạng ô nhiễm chưa được khắc phục, có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của rất nhiều hộ dân.
Nhà hàng, khách sạn xả thải thẳng ra biển ở Thanh Hoá
VOV.VN - Các nhà hàng, khách sạn xả thải thẳng ra biển mà không qua khâu xử lý nào. Môi trường ô nhiễm, bốc mùi hôi thối khiến người dân địa phương bức xúc.