Cuộc họp với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, các cơ quan chức năng, các chủ tàu, Trung tâm đăng kiểm tàu cá, thuộc Tổng cục thủy sản, các chi nhánh ngân hàng. Hiện tỉnh Bình Định đã đóng mới 47 tàu vỏ thép, trong đó 45 tàu đưa vào hoạt động. Trong số 15 tàu sản xuất chưa hiệu quả có 11 tàu nằm trong danh sách có đơn phản ánh về tình trạng chất lượng tàu vỏ thép chưa đạt yêu cầu.
Vừa qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định đã tổ chức đối thoại giữa chủ tàu, cơ sở đóng tàu, chính quyền địa phương nhưng giữa chủ tàu và cơ sở đóng tàu không thừa nhận trách nhiệm, tiếp tục đổ lỗi cho nhau và không thống nhất được giải pháp khắc phục.
Sau đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định đã thành lập Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 để xác định chất lượng, giá trị, nguồn gốc của 18 tàu cá có đơn yêu cầu, kiến nghị của ngư dân. Nội dung kiểm tra tập trung vào: phần vỏ tàu; phần máy chính, máy phát điện của tàu; phần trang thiết bị hàng hải, khai thác.
Kết quả kiểm tra cho thấy 5 tàu cá do Công ty Đại Nguyên Dương đóng thép xuất xứ từ Trung Quốc, 12 tàu cá do Công ty Nam Triệu (Bộ Công an) đóng có nguồn gốc xuất xứ Hàn Quốc.
Tất cả các mẫu đều đạt cấp thép A, trong đó 8 tàu có thành phần hóa học Măn gan không đạt tiêu chuẩn thép A. Độ dày của phần thép đạt yêu cầu nhưng có vài vị trí gần đến mức giới hạn tối thiểu đăng kiểm. Trong 12 tàu bị gỉ sét thì 5 tàu có phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị bị gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng.
Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định băn khoăn: “Đạt chuẩn thép A, một thành phần hóa học là Măng-gan là không đạt, không đạt không đạt luôn thép A, như vậy là 8 tàu không đạt. Cần làm rõ tàu này là tàu thép của Hàn Quốc hay của Trung Quốc để tránh đánh đồng với nhau. Phí thiết kế rõ ràng tự đặt ra để lấy tiền trong khi Chính phủ đã bỏ tiền ra”.
Về phần máy chính, 9 máy chính mang hiệu Mitsubishi, hầu hết máy chính đều hoạt động không ổn định. Các chi tiết như bộ sinh hàn giải nhiệt khí bằng nước ngọt, bơm nước biển gắn ngoài, hệ thống dẫn giải nhiệt đã gia công lại, các chi tiết này đi kèm không đồng bộ, không phù hợp. Hãng Mitshubishi đã có văn bản xác nhận không sản xuất các động cơ này.
Có 3 máy chính hiệu Doosan, có kết cấu đồng bộ của động cơ thủy, quá trình hoạt động không ổn định, động cơ bị nóng. Còn 5 máy chính hiệu Mitsubishi có thông số ghi trên nhãn mác trùng khớp với thông số do hãng Mitsubishi công bố, hoạt động ổn định. Tổ thẩm định cũng chỉ rõ trách nhiệm của Trung tâm đăng kiểm tàu cá.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, Tổ trưởng Tổ thẩm định đề nghị thay mới các máy tàu. |
Đối với máy chính lắp trên các tàu do Công ty Nam Triệu (Bộ Công an) đóng, mặc dù, quy định là máy mới 100%, qua kiểm tra hồ sơ, các đăng kiểm viên đã nghiệm thu phần máy chính trước khi lắp đặt.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: “Quá trình kiểm tra tại hiện trường máy trước khi lắp đặt và sau khi lắp đặt, các đăng kiểm viên đã không kiểm tra kỹ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận chất lượng, chứng nhận thí nghiệm máy của nơi sản xuất và không quan sát kỹ các chi tiết không đồng bộ với máy thủy”.
Tổ công tác đề nghị Công ty Nam Triệu (Bộ Công an) thay mới toàn bộ 10 máy chính không đồng bộ, thay mới máy chính hiệu Doosan cho ông Trần Đình Sơn, khắc phục và sửa chữa các máy phụ bị hư hỏng. Đối với phần vỏ tàu của các tàu bị rỉ sét phải làm sạch bề mặt và sơn lại tàu theo đúng quy trình bảo dưỡng tàu vỏ thép.
Nếu các tàu kiểm tra các phần tôn vỏ không đạt thép cấp A thì kiểm tra và đánh giá lại toàn tàu, thay thế lại các phần tôn và vỏ không đạt. Các vỏ tàu đã thay thế thép Trung Quốc nhưng đảm bảo thép cấp A, nếu giữa chủ tàu và cơ sở đồng ý thì cơ sở đóng tàu phải trả lại chênh lệch giá thép Hàn Quốc so với thép Trung Quốc. Sửa chữa hệ thống hầm bảo quản, thay mới hệ thống điện khai thác cho 3 tàu theo đúng hợp đồng ký kết, thay mới và sửa chữa cho hai chủ tàu có hệ thống đầu dò bị hỏng và thay mới màn hình đồng bộ.
Trước mắt, đề nghị đưa 17 tàu lên đà để tiến hành khắc phục, sửa chữa dứt điểm trục trặc, sự cố hư hỏng về chất lượng vỏ tàu, máy tàu, trang thiết bị để đảm bảo an toàn kỹ thuật cho ngư dân vươn khơi, bám biển, tham gia sản xuất.
Cuộc họp trở nên “nóng” khi ngư dân và các phóng viên truy trách nhiệm của Trung tâm đăng kiểm tàu cá và Tổng cục Thủy sản. Lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm tàu cá cho rằng, đây là trách nhiệm của đăng kiểm, sai sót do trình độ của đăng kiểm viên.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm các bên./.