Sáng nay (2/6), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã làm lễ ra viện cho một bệnh nhân nữ, 44 tuổi, bị viêm phổi nặng ARDS (Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển) được điều trị khỏi bằng việc áp dụng kỹ thuật cao ECMO (trao đổi oxy ngoài cơ thể).

vov_ra_vien_doop.jpg
PGS TS BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tặng hoa cho bệnh nhân.
Trước đó, ngày 18/5/2016, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân nữ 44 tuổi, được bệnh viện 19-8 chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp nặng, đang thở máy qua nội khí quản.

Sau 24h theo dõi điều trị, tình trạng bệnh nhân vẫn không được cải thiện và bệnh nhân đi vào trạng thái sốc, tụt huyết áp, tiên lượng rất xấu. Khoa đã tiến hành hội chẩn cấp cứu đồng thời xin ý kiến Giám đốc và đã thống nhất chỉ định triển khai áp dụng kỹ thuật trao đổi oxy ngoài cơ thể (ECMO) cho bệnh nhân.

Sau khi triển khai ECMO, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt dần, sau 7 ngày, bệnh nhân được bỏ thở máy và rút ông nội khí quản, sau 8 ngày bệnh nhân đã có thể tự thở không cần sự hỗ trợ của ECMO. Có lẽ đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được bỏ thở máy ngay trong khi chạy ECMO. Chính biện pháp này là yếu tố then chốt, góp phần vào sự thành công của điều trị, bệnh nhân đã gần như bình phục hoàn toàn và trở lại cuộc sống bình thường.

Trả lời phỏng vấn báo chí, PGS TS BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói: ECMO là một kỹ thuật hồi sức đặc biệt, sử dụng máy để rút máu người bệnh ra, đưa qua màng trao đổi để cung cấp ôxy và thải CO2 thực hiện thay hoạt động của phổi và tim người bệnh. Đây là hoạt động hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể.

“Trường hợp của bệnh nhân trên là trường hợp thành công thứ 6/8 được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sử dụng phương pháp ECMO. Đây là trường hợp đầu tiên Bệnh viện và rút máy thở của người bệnh trước khi rút ECMO, điều này sẽ tránh được nguy cơ bị bội nhiễm, đồng thời cũng tạo cơ hội cho bệnh nhân thở tự nhiên”, BS Kính nói.

BS Kính cho biết thêm, chi phí cho 1 ca sử dụng kỹ thuật hồi sức đặc biệt từ 300- 500 triệu đồng và BHYT chưa thanh toán. Đối với những trường hợp nặng, tổn thương cơ quan nội tạng do mầm bệnh gây nên quá lớn, ECMO cũng không có tác dụng. Thực tế trên thế giới cho thấy, ECMO mới chỉ cứu sống được khoảng 30%, còn các trường hợp nặng vẫn có nguy cơ tử vong.

ECMO là kỹ thuật mới được áp dụng tại một số bệnh viện tuyến Trung ương trong đó có Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Việc triển khai áp dụng kỹ thuật này đã làm giảm thời gian điều trị và cứu sống được nhiều bệnh nhân bị các bệnh viêm phổi nặng ARDS, nguy kịch mà trước đây khi chưa triển khai kỹ thuật này thì tỷ lệ tử vong khoảng 80%./.