Chiều 14/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 30 quận, huyện, thị xã để đánh giá tình hình, biện pháp phòng chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây nhiễm virus Zika.

Ở Đông Nam Á, ghi nhận sự lưu hành virus Zika tại một số nước như: Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia. Đặc biệt, từ cuối tháng 8/2016 Singapore bùng phát dịch do virus zika với số trường hợp mắc tăng nhanh hàng ngày.

Bộ Y tế Thái Lan cho biết, nước này đã ghi nhận khoảng 200 ca nhiễm virus Zika kể từ đầu năm đến nay. Trước tình hình đó, các nước trong khu vực đã tăng cường các biện pháp giám sát tại cửa khẩu để chủ động phát hiện sớm, ngăn ngừa các trường hợp xâm nhập.

hop_ubhn_gygk.jpg
Ở Việt Nam đã ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại Khánh Hòa, TP HCM và Phú Yên. Từ đầu tháng 8/2016 chưa ghi nhận ca mắc mới, tuy nhiên từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo bệnh do virus Zika lên mức độ 2 và yêu cầu các địa phương chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Thủ đô Hà Nội đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika.

Ngành Y tế đã chủ động giám sát và phát hiện 55 trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả ấm tính. Ngoài mối lo về Zika, dịch bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam đang có xu hương tăng, đặc biệt ở một số tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên.

Đến 9/9/2016, cả nước ghi nhận 65.339 ca mắc sốt xuất huyết, 20 tử vong (tăng 2 lần so cùng kỳ). Đến hết ngày 12/9, Hà Nội ghi nhận 983 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (giảm 48% so với cùng kỳ) và chưa có trường hợp tử vong...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh: các tháng cuối năm 2016, tình hình dịch bệnh tịa Hà Nội có thể diễn biến phức tạp, đặc biệt là sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.

Với bệnh do virus Zika, có nguy cơ xâm nhập vào Hà Nội trong những tháng cuối năm do bệnh đã xuất hiện tại nhiều khu vực trên thế giới và tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng như tại Việt Nam. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết các tháng cuối năm thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền virus Zika (cũng là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết). Loại muỗi này có phổ biến tại các quận huyện thị xã của Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội thành...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, người nhiễm virus Zika với biểu hiện nhẹ, hoặc không triệu chứng dễ dàng xâm nhập vào Hà Nội và khó kiểm soát.

Đống ý với ý kiến trên, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế cho rằng, điều quan trọng nhất là phải phát hiện sớm các trường hợp nhiễm dịch bệnh để khoanh vùng, xử lý ổ dịch.

Với những triệu chứng nhẹ như sốt trên dưới 38 độ C, xuất huyết nhẹ, viêm kết mạc, đau cơ... Zika rất khó phát hiện. Vì vậy, các cơ quan y tế cấp cơ sở như xã phường cần chủ động lấy mẫu các trường hợp có dấu hiệu tương tự để xét nghiệm để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh.

Ông Phu khẳng định: “Quan điểm của chúng ta là minh bạch, không giấu dịch; phát hiện dịch bệnh đến đâu sẽ công bố ngay, không để người dân hoang mang, như thế cũng góp phần xử lý dịch bệnh tốt hơn”.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đánh giá cao ngành y tế và các quận huyện đã quyết liệt vào cuộc làm tốt công tác phòng dich, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để bùng phát.

Ông Ngô Văn Quý nhấn mạnh, Hà Nội là điểm đến của nhiều du khách quốc tế, công tác phòng chống dịch bệnh vừa để đảm bảo sức khỏe người dân vừa góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Y tế tập trung phát động chiến dịch “người dân chủ động diệt muỗi, bọ gậy” và hướng dẫn người dân sử dụng các phương tiện tích trữ nước.

Các cấp cơ sở cần tăng cường kiểm tra, xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch...”./.