Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết khu vực ảnh hưởng của bão có nhiều tàu thuyền ven biển, hoạt động du lịch phát triển, do đó, cần bảo đảm hệ thống đê biển, cầu cảng, đường giao thông, khu công nghiệp ven biển, hầm lò, hồ chứa bùn thải.

bao_so_4_15_08_vmjt.jpg
BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai một lần nữa khẳng định, bão số 4 có diễn biến khó lường, các địa phương tuyệt đối không chủ quan.

Trên khu vực đất liền, ông Hoài chỉ đạo các địa phương tổ chức chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và sơ tán dân tại những khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ, khu vực ngập sâu ven sông, ven biển.

Đối với khu vực Chương Mỹ (Hà Nội), ông Hoài yêu cầu cần theo dõi sát diễn biến mưa, mực nước tại các vùng thấp trũng, đề phòng có thể xảy ra tái ngập úng. Ngoài ra, khu vực miền núi cảnh giác với các hiện tượng sạt lở đất, lũ quét.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai.
Đến 14h cùng ngày, theo Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, 5.347 phương tiện/29.320 lao động trên biển và 30.967 phương tiện/108.454 người từ Quảng Ninh đến Quảng Bình neo đậu tại bến. Các địa phương tỉnh ven biển vẫn chưa có lệnh cấm biển.

Cập nhật tình hình, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết vào lúc 13h, bão số 4 cách Móng Cái 370 km, Thái Bình 550 km, Vinh 650 km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Theo ông Cường, bão số 4 đổi hướng di chuyển về phía tây, tăng tốc và mạnh dần hơn.

Mô hình dự báo của nước ngoài đều cho thấy bão sẽ di chuyển theo hướng tây, rồi chuyển hướng tây tây nam. Sáng mai (16/8), bão số 4 sẽ đi vào khu vực vịnh Bắc Bộ, lúc này bão duy trì cấp 9.

Rạng sáng 17/8, bão số 4 khả năng giảm cấp 8, giật cấp 10-11, cập bờ và ảnh hưởng trực tiếp khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ.
Từ đêm mai đến hết ngày 17/8, mưa lớn, dồn dập ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, trọng điểm ở Đông Bắc, Tây Bắc Bộ, nam Sơn La, Hoà Bình, Nghệ An. Lượng mưa phổ biến 250-300 mm.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng cảnh báo mực nước lũ ở Chương Mỹ (Hà Nội) có thể ở mức BĐ2-3, gây ngập úng song mức độ không bằng đợt lũ vào trung tuần tháng 7.

Bộ trưởng - Trưởng Ban Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Với tính chất nguy hiểm của bão số 4, nếu các địa phương không ráo riết, quyết tâm phòng chống, chắc chắn hậu quả sẽ rất lớn. Khu vực vịnh Bắc Bộ có hoạt động, dự án kinh tế sôi động.”.
Theo ông Cường, cơn bão này có phạm vi ảnh hưởng rộng, càng vào bờ, bão số 4 được tiếp thêm năng lượng nên càng càng mạnh hơn. Hơn nữa, phạm vi Biển Đông ở khu vực này ngắn, nên bão sẽ cập đất liền nhanh.
Do vậy, Bộ trưởng đề nghị các địa phương ven biển dứt khoát cấm biển, kiểm soát tàu thuyền.

Trên đất liền, Bộ trưởng yêu cầu cần đảm bảo an toàn các thiết chế hạ tầng, nhà dân và công trình công cộng. Bộ trưởng yêu cầu toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng, tỉnh Bắc Trung Bộ tập trung xả nước đệm cưỡng bức và tự chảy, do lượng mưa sẽ khá lớn.
Các tỉnh miền núi phía bắc đôn đốc chỉ đạo, thông báo di dời dân khỏi nơi nguy hiểm. Thủy điện Sơn La, Hòa Bình điều hành liên tục có chủ trương mới, giai đoạn căng thẳng thử thách./.