VOV.VN - Trong những ngày qua, số bệnh nhân bị bệnh sốt xuất huyết ở Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng cao và đã có 3 trường hợp tử vong.
Đặc biệt có nhiều trường hợp bị sốc sốt xuất huyết trong tình trạng rất nặng, nguy kịch đến tính mạng.
Trong tuần vừa qua, số ca sốt xuất huyết ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng đột biến lên đến 339 ca, tăng 40% so với trung bình 4 tuần trước đó. Từ tháng 6, các ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng 10% đến 15% so với tháng trước. Thành phố vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay trên địa bàn lên 3 trường hợp.
Bệnh nhi sốc sốt xuất huyết đã qua nguy kịch.
Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, số ca nhập viện vì sốt xuất huyết trong tháng 6 đã tăng từ 30% đến 40% so với tháng 5 và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý là trước đây, số bệnh nhân người lớn chỉ chiếm 20%, nay đã gia tăng lên 43%.
Ở bệnh viện Nhi đồng 1, trung bình mỗi tuần có trên 70 trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết. Còn tại bệnh viện Nhi Đồng 2, trung bình từ 45 đến 50 ca. Trong số hàng chục bệnh nhi nhập viện, có trên 10% các ca nặng.
Chị Lê Thị Thu Hòa, ở Vũng Tàu, có con bị sốc sốt xuất huyết đang nằm ở phòng cấp cứu, khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Sốt đêm thứ 5 thì đến sáng thứ 6, cháu được đi viện luôn vì không biết nguyên nhân cháu lại sốt li bì cả đêm. Sau đó bệnh nặng hơn, khó thở và tràn dịch vô phổi”.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nhiều trường hợp bị sốc sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện phải thở máy. Từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có 2 trường hợp tử vong do sốc sốt xuất huyết, được chuyển đến từ các địa phương khác khi bệnh diễn tiến đã quá nặng, không thể cứu chữa.
Trước tình hình đó, bệnh viện đã tổ chức tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng về công tác chẩn đoán và điều trị, các bác sĩ ở những khoa bệnh nặng (hồi sức, sốt xuất huyết..) còn được tập huấn chuyên sâu để xử lý những trường hợp bệnh nhân nặng. Đặc biệt, bệnh viện đã thành lập 5 đội cơ động sốt xuất huyết để xử lý các trường hợp sốt xuất huyết tại bệnh viện và hỗ trợ kịp thời cho các bệnh viện quận, huyện khi có yêu cầu.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn cảnh báo: “Diễn biến của sốc sốt xuất huyết thường xảy ra quanh thời điểm nhiệt độ bắt đầu giảm, dao động từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6, đặc biệt là khi em bé có khuynh hướng giảm sốt, đau bụng, nhưng trẻ nhỏ nhiều khi không biết nói cho mình là đau bụng mà khóc quấy, bỏ ăn bỏ bú, bứt rứt, ói mửa nhiều thì phải hết sức cảnh giác và đưa bé đi nhập viện ngay lập tức”.
VOV.VN - Theo Bộ Y tế, hiện nay 3 loại bệnh đang gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là viêm não virus, liên cầu lợn và sốt xuất huyết.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, nguyên nhân là do năm nay mưa sớm nên bệnh sốt xuất huyết cũng tăng sớm hơn 4 đến 5 tuần so với những năm trước. Trong khi đó, hiện nay thời tiết tại Thành phố Hồ Chí Minh đang có những yếu tố vô cùng thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết lây lan mạnh khi nắng vào buổi sáng, trưa và mưa vào buổi chiều, tối. Dự báo, đỉnh điểm sốt xuất huyết rơi vào tháng 7, 8, 9, vì vậy, thời gian tới, bệnh sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Theo Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, biện pháp kiểm soát véc tơ truyền bệnh, kiểm soát muỗi không mang lại hiệu quả cao vì thực tế, để kiểm soát muỗi rất khó khăn, gần như là không thể. Trong khi đó, những khu đất, bãi đất bỏ hoang có nhiều vật chứa vô tình xuất hiện, trở thành nguồn lây bệnh cho cộng đồng dân cư. Các nhà trọ, những vựa ve chai, công trình xây dựng…có khả năng làm lây lan bệnh rất nhiều. Chính quyền địa phương phải xử lý những địa điểm này, tuy nhiên, công tác này tại các địa phương còn hết sức lơ là.
Mới đây, qua kiểm tra 14 quận, huyện thì có đến 12 quận, huyện không đạt yêu cầu trong công tác kiểm soát điểm nguy cơ. Chính quyền địa phương cơ sở chưa thực hiện xử phạt nghiêm những trường hợp nhà dân để phát sinh lăng quăng, tạo cơ hội cho muỗi sinh sôi và phát triển, mà chủ yếu xử phạt các doanh nghiệp vi phạm.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm: “Các chuyên gia y tế dự phòng khuyến cáo người dân phải chủ động tích cực phòng chống muỗi để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng. Đặc biệt không xem nhẹ bệnh sốt xuất huyết vì bệnh có thể tự khỏi trong vòng 1 tuần nhưng nguy cơ sốc sốt xuất huyết cao rất nguy hiểm đến tính mạng”./.
VOV.VN - Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm virus cấp tính do muỗi truyền. Bệnh xảy ra quanh năm, đặc biệt vào mùa mưa, bệnh trở nặng bất ngờ có thể gây tử vong cao.
VOV.VN - Khi phát hiện các ca bệnh sốt xuất huyết và Zika và một số dịch bệnh khác, các bệnh viện sẽ chuyển thông tin đến trung tâm y tế dự phòng thành phố.